Nỗi ám ảnh học trực tuyến
Chị Lê Phương Linh (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, dù đã chuẩn bị tâm lý từ trước, nhưng chị vẫn cảm thấy vô cùng lo lắng khi con trai chị, năm nay lên lớp 7 lại chuẩn bị học trực tuyến.
“Năm vừa rồi, mấy tháng con học trực tuyến, tôi liên tục phải xin nghỉ làm để giám sát con mà vẫn không hiệu quả. Chỉ học được một lúc là con tỏ ra mệt mỏi, ngáp, mất tập trung, có lúc nằm bò ra giường. Con học mà mẹ cũng phải ngồi bên để nhắc nhở. Rồi mỗi khi cô gửi bài, con dùng máy tính lại phải kèm sát con, sợ con chơi game hay mạng xã hội. Vậy mà kết quả học vẫn kém. Nỗi ám ảnh năm học cũ chưa qua, thì năm học mới lại chuẩn bị tiếp tục, không biết sẽ như thế nào”, chị Linh thở dài.
Còn gia đình anh Nguyễn Ngọc Quang (Hai Bà Trưng, Hà Nội) lại đau đầu vì cậu con trai năm trước học lớp 10 đã sa đà vào chơi game trong giai đoạn học online.
Anh Quang cho biết, những lúc con học trực tuyến, anh lên kiểm tra, lúc nào cũng thấy con mở máy ngồi học rất nghiêm túc, anh rất yên tâm. Nào ngờ, lúc cô cho kiểm tra thử, điểm toàn 2, 3. Thì ra, con lén lút chơi điện tử, bỏ bê việc học mà anh không biết. Thậm chí, con có cả một nhóm bạn chơi điện tử với nhau.
Chuẩn bị vào năm học mới, anh đã có buổi nói chuyện với con về việc giới hạn sử dụng thiết bị điện tử. Theo đó, con chỉ được dùng máy tính cho việc học. Ngoài ra, phải giao nộp lại máy tính cho người lớn. Thế nhưng, có những bài tập cô giáo giao trên ứng dụng, con nói cần phải có máy tính mới làm được bài tập, anh buộc vẫn phải đưa con sử dụng. Anh vẫn chưa biết làm thế nào để có thể giám sát được con,
Không ít gia đình đã rơi vào tình cảnh giống như gia đình chị Linh, anh Quang. Con không tập trung, con chơi game, sa đà mạng xã hội, mở máy tính rồi ngủ hoặc làm việc riêng, bố mẹ không giám sát được… khi học trực tuyến là những vấn đề mà nhiều phụ huynh đau đầu mà chưa tìm được giải pháp khắc phục. Trong khi đó, do dịch bệnh, thời gian học trực tuyến chưa biết sẽ kéo dài tới bao giờ.
Cần sự điều chỉnh từ nhiều phía
Trao đổi với phóng viên, cô giáo Lê Thị Thanh Loan, Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội cho biết, việc học trực tuyến có nhiều khó khăn so với việc học trên lớp dẫn đến việc các em mệt mỏi, khó tập trung và nhiều vấn đề khác. Để thay đổi, cần có sự điều chỉnh từ nhiều phía.
Đầu tiên là về thời gian học. Học online, phải ngồi nhìn máy tính, điện thoại khác với học trực tiếp. Nếu thời khóa biểu của nhà trường không có điều chỉnh hợp lý, vẫn “bê nguyên” từ học trực tiếp sang học online thì trẻ sẽ rất mệt. Ví dụ, thời khóa biểu ở trường khi học trực tiếp là 8 tiết/ngày, sáng 4 tiết, chiều 4 tiết. Nếu vẫn giữ nguyên thời khóa biểu đó, trẻ phải ngồi máy tính cả sáng lẫn chiều từng ấy thời gian sẽ khó tập trung.
Cho nên, đối với việc học online, Trước hết, từ phía nhà trường cần hiểu được điều đó và có sự điều chỉnh.
Ngoài ra, về thời lượng một tiết học. Theo quy định, một tiết học đối với học trực tiếp là 45 phút, nhưng với học online, hiện nay, chưa có một nghiên cứu nào cho thấy việc ngồi máy tính bao nhiêu phút là phù hợp. Thực tế, nhiều học sinh phản ánh về việc ngồi máy tính lâu dẫn tới việc các em mệt mỏi. Qua quan sát thì thấy, các em chỉ có thể tập trung trong khoảng thời gian khoảng 30 phút. Vấn đề này cũng cần có sự xem xét.
Đối với phương pháp dạy học của giáo viên cũng cần có sự điều chỉnh, không thể giữ cách giảng trực tiếp sang dạy online. Có một số môn, các thầy cô chưa kịp chuyển dịch sang để dạy học online, các em sẽ khó mà ngồi 45 phút theo dõi qua máy tính những bài giảng “không hấp dẫn”.
Về phía học sinh, khó khăn lớn nhất là các em không hề có sự chuẩn bị những kỹ năng cho việc học online, thậm chí những kỹ năng gần như là con số 0.
Khoảng 50 - 60% học sinh chỉ ngồi bật một cửa sổ học, mà bật rất nhiều cửa sổ khác, từ chat cho tới game. Ngay cả đối với một em ở lớp rất tập trung học thì khi ngồi máy tính cũng vẫn như vậy, nhất là đối với các em lớp lớn. Tuy nhiên, bố mẹ cũng phải đi làm, không thể lúc nào cũng giám sát các con.
Để giải quyết tình trạng này, bố mẹ, thầy cô, nhà trường nên tư vấn tâm lý, có những buổi nói chuyện với các em về việc học online để các em có một tinh thần học tốt hơn.
Theo đó, cần cho các em hiểu, xác định, việc học online là chuyển từ việc học bắt học sang tự học. Đây là điều quan trọng nhất. Bố mẹ hay thầy cô cũng không thể lúc nào cũng giám sát các em. Thực tế cho thấy, những học sinh yêu thích việc học online và học có hiệu quả đều là những em có khả năng tự học cao.
Ngoài ra, cũng cần chuẩn bị cho trẻ một sức khỏe thật tốt, trong đó có việc rèn luyện thể lực, tập thể dục, bù lại thời gian các em phải ngồi bên máy tính.
“Theo tôi, việc học online là thách thức nhưng đồng thời cũng là một cơ hội để cho học sinh Việt Nam có một thay đổi về tư duy học. Đó chuyển tư duy học cho bố mẹ, sang học cho bản thân mình. Nếu tư vấn để cho trẻ hiểu được điều đó cũng như tạo được nền tảng cho việc học online thì học online cũng sẽ rất tốt. Các em biết sử dụng công nghệ, bắt kịp được với xu hướng của thế giới”, cô Loan chia sẻ.
Theo cô Loan, hiện nay, vẫn đang có sự lúng túng, từ phía nhà trường, cho tới phụ huynh, học sinh đối với việc dạy học online. Điều này cũng xuất phát từ việc dịch bệnh xảy ra bất ngờ. Để việc học hiệu quả, cần tìm ra nguyên nhân và có sự điều chỉnh kịp thời.
Cô giáo Đỗ Phương Nam, Trường THCS Ngô Gia Tự, Hà Nội cho biết, trong buổi họp phụ huynh mới đây, cô đã mời cả phụ huynh và học sinh cùng họp. Theo đó, giáo viên trao đổi để phụ huynh và học sinh hiểu, học trực tuyến cũng tựa như việc học sinh tự học, có thể không có giáo viên hay ai nhắc nhở khi vắng mặt. Vì vậy, học sinh cần đưa ra cho mình những nội quy cho bản thân. Các em nên học theo lịch học của giáo viên, mỗi ngày một bài học để đảm bảo được khả năng tiếp thu tốt nhất nội dung. Thời gian biểu là một công cụ quản lý thời gian hết sức hữu dụng. Có trong tay kế hoạch học tập tỉ mỉ và nghiêm túc, việc học tập sẽ đạt được hiệu quả tốt hơn. Khi việc học trở thành thói quen, sẽ giúp các em cảm thấy thoải mái, không bị áp lực, cũng không lười biếng.