Đau nhức xương khớp ở người cao tuổi khi trời lạnh

(khoahocdoisong.vn) - Người cao tuổi bị đau nhức xương, khớp là do xương, khớp bị viêm, bị loãng xương, bị chấn thương hoặc do thiếu máu đến nuôi dưỡng tạm thời hoặc trường diễn. Trong đó, viêm khớp là hiện tượng đau nhức khủng khiếp, ngoài ra còn bị sưng nề, bầm tím ở các khớp làm cho đi lại, cử động khó khăn.

Bệnh lý xương khớp ở người cao tuổi chiếm tới 54%

Hiện nay, tỷ lệ người cao tuổi có bệnh lý xương khớp chiếm tới 54%. Theo GS Trần Ngọc Ân, nguyên Giám đốc Bệnh viện E T.Ư, những nguyên nhân đau cơ xương khớp có thể giải thích được là do sự lão hóa của cơ thể. Tiếp theo là các điều kiện môi trường, xã hội, văn hóa không thuận lợi (ô nhiễm môi trường, lao động nặng nhọc, thời tiết thay đổi thường xuyên). Bên cạnh đó, một số lượng đáng kể những người cao tuổi cũng đã từng bị mắc các bệnh khớp nhiều năm trước đó, để lại các di chứng nặng nề khi họ bước vào tuổi già, đó là thoái hoá khớp, loãng xương, đau cột sống thắt lưng, gút, ung thư xương.

Trên 60 tuổi rất nhiều người mắc bệnh loãng xương, mất chất vôi ở cổ xương đùi, cổ xương cánh tay. Với phụ nữ, trong giai đoạn mãn kinh dễ bị loãng xương do nồng độ chất nội tiết tố nữ trong cơ thể giảm mạnh làm khả năng hấp thu và lưu giữ canxi trong xương cũng suy giảm theo, gây ra loãng xương, thoái hóa xương và khớp ở các đốt cột sống, dẫn đến tình trạng đau lưng. Với những người thời còn trẻ lao động nặng, gánh vác và sinh đẻ nhiều thì hay mắc thoái hóa khớp gối. Những bệnh về xương khớp này rất khó chữa khỏi hoàn toàn. Khi chức năng khớp bị hạn chế nhiều hoặc mất hoàn toàn, bệnh nhân đau nhiều mà điều trị thuốc đầy đủ không đỡ thì phải phẫu thuật.

Bệnh xương khớp hành hạ người cao tuổi quanh năm nhưng trầm trọng hơn khi trời trở lạnh. Thời tiết lạnh sẽ làm cho mạch máu tại các vùng da co lại, máu đến các khớp xương bị hạn chế hoặc rất ít làm cho thiếu máu nuôi dưỡng khớp, các màng hoạt dịch và sụn khớp gây kích thích làm đau nhức. Trời càng lạnh, độ ẩm cao thì người già càng đau nhức. Người bệnh luôn có cảm giác lạnh hoặc ớn lạnh, hay bị chuột rút (vọp bẻ), thường ra mồ hôi. Đau nhức xương khớp ở người cao tuổi thường rất dai dẳng (nhiều ngày, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm), đặc biệt là nó gây mệt mỏi làm người bệnh ngại vận động, chỉ muốn nằm, ngủ hay nghỉ ngơi, do đó sẽ làm xuất hiện các bệnh khác đi kèm.

Phòng tránh và điều trị bệnh xương khớp

Phòng tránh loãng xương là ưu tiên hàng đầu để điều trị bệnh xương khớp. Ngay từ khi còn trẻ cần bổ sung canxi, vitamin D đúng cách để tăng cường mật độ xương. Nên có chế độ ăn uống hợp lý. Người cao tuổi cần bổ sung nhiều các thực phẩm giàu axit béo omega-3, axit này có tác dụng ngăn chặn phản ứng của hệ miễn dịch gây ra chứng viêm khớp, giảm các triệu chứng đau khớp, loại bỏ tình trạng cứng khớp vào buổi sáng. Axit béo omega-3 có nhiều trong cá (có nhiều trong mỡ cá), các loại cá thu, cá ngừ, cá hồi, cá trích, tôm, cua, dầu cá, dầu đậu nành, dầu hạnh nhân, dầu ôliu… Bên cạnh đó, cũng cần bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C, D, E và tiền vitamin A. Các loại vitamin này có tác dụng chống oxy hóa, có tác dụng phòng tránh một số dạng viêm khớp. Vitamin C, D có tác dụng giảm đau, viêm xương khớp, làm chậm sự tiến triển của bệnh. Vitamin E và tiền vitamin A có tác dụng giảm đau, chống viêm. Các loại vitamin này có nhiều trong rau, củ, quả như ổi, cà chua, cà rốt, bí đỏ, các loại rau xanh và đậu tương, giá đỗ, vừng lạc, mầm lúa mạch… Đặc biệt, cần phải uống đủ lượng nước mỗi ngày, nên uống từ 2 – 2,5 lít nước.

Năng luyện tập vừa sức giúp xương dẻo dai. Nên duy trì cân nặng hợp lý phòng tránh thoái hóa xương khớp. Khi mắc các bệnh như viêm khớp, viêm bao hoạt dịch… cần điều trị dứt điểm. Khi đau nhức xương khớp, ngoài thăm khám Tây y người bệnh có thể kết hợp điều trị Đông y bằng cách xoa bóp huyệt đạo trên thân thể, đây là liệu pháp rất tốt trong chữa trị xương khớp. Gặp trời lạnh mà đau nhức xương khớp có thể dùng muối rang nóng kết hợp với ngải cứu tươi chườm vào chỗ bị đau sẽ giảm đau hiệu quả mà không cần dùng đến thuốc.

Theo Đời sống
back to top