Theo YHCT đậu đũa có vị ngọt, tính bình, tác dụng bổ tỳ vị, lợi ngũ tạng, ích khí, dưỡng huyết, chữa trị chứng thiếu máu, thiếu sắt, mất ngủ, đau đầu, trẻ em suy dinh dưỡng.
Theo dược lý hiện đại, trong 100g đậu non tươi nấu chín có chất đạm 2,53g, chất béo 0,40g, bột đường 4,6g, chất xơ 1,51g, calcium 44mg, sắt 0,93mg, Mg 42mg, Ka 294mg, Na 4mg, vitamin B1 0,085mg, B2 0,099mg, PP 0,630mg, A 450 UI, C 16,2mg, xét về giá trị dinh dưỡng, đậu đũa rất giàu chất sắt, tốt cho người thiếu máu thiếu sắt, giàu vitamin nhóm B, có lợi cho hệ thần kinh. Một số nghiên cứu gần đây cho rằng, đậu đũa có một số protein có hoạt tính kháng nấm.
Đậu đũa là loại thực phẩm có tác dụng giảm béo tốt. Trong 100g đậu đũa, thành phần chất béo là 0g, 0mg cholesterol, trong khi đó chất xơ chiếm gần 4g, chính vì thế đậu đũa là món ăn tốt cho những người muốn giảm béo, người mắc bệnh tiểu đường. Đậu đũa có hàm lượng chất xơ, protein cao, lượng tinh bột trong đậu đũa được hấp thụ chậm nên giúp làm ổn định lượng đường trong máu. Với lượng chất xơ hòa tan và không hòa tan cân bằng, ăn đậu đũa rất tốt cho hệ tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón kéo dài. Ngoài ra đậu đũa rất tốt cho mắt. Trong đậu đũa có nhiều carotenoid đóng vai trò lớn trong việc ngăn ngừa thoái hoá điểm vàng. Ngoài ra đậu đũa cũng giàu lutein và zeaxanthin, giúp duy trì thị lực. Dưới đây là một số món ăn:
-Chữa tiểu đêm nhiều, đậu đũa 100- 150g nhồi bong bóng lợn, cho thêm gia vị vừa đủ, hầm cách thủy ăn tuần vài lần.
-Chữa trẻ em suy dinh dưỡng: Đậu đũa hầm xương lợn ăn nhiều lần.
Đậu đũa cũng như các loại đậu khác, lượng purin trong nó khá cao vì vậy không dùng nhiều với người bị bệnh gút (thống phong). Khi chế biến đậu đũa cũng như các loại đậu khác, nếu nấu chưa kỹ hoặc ăn sống dễ bị độc vì có chứa lectin, hàm lượng chất này quá nhiều sẽ khiến cơ thể trúng độc. Tuy nhiên lectin này sẽ bị phân huỷ khi gặp nhiệt độ cao trong thời gian dài, do đó nên nấu thực phẩm họ đậu thật kỹ trước khi sử dụng.
BS. Lê Lan (Vĩnh Hồ, Hà Nội)