Ảnh minh họa
Tính chất “kỳ dị khó tả” biểu hiện rất đa dạng: có cảm giác kiến bò trong đầu, đầu bị căng ép, bị nén, cảm giác nóng rát như sát muối, cháy bỏng, bị “đóng đinh trong đầu”, như “búa bổ vào đầu”, đau như “bửa vỡ xương sọ”; có bệnh nhân có cảm giác như “nước chảy trong đầu”, có “bong bóng nổi lên bề mặt não”, có “bông lèn trong đầu”, có sóng vỗ, cảm thấy như không phải đầu của mình.
Bệnh thường kèm theo mất ngủ, lo lắng, luôn nghĩ mình mắc bệnh hiểm nghèo, bồn chồn, mệt mỏi, buồn chán, bi quan; hồi hộp, run chân tay, vã mồ hôi, bốc hỏa, gai rét; tức ngực, khó thở, đau bụng, đi tiểu nhiều, đau lan tỏa nhiều nơi…
Đây là dạng đau đầu đặc biệt kỳ dị do căn nguyên tâm lý, chiếm khoảng 52% số ca đau đầu. Bệnh thường do hai nguyên nhân tâm lý và thực thể, thường gặp ở những người nhân cách mất thăng bằng về cảm xúc và tính tình, họ luôn xung đột với gia đình và môi trường hoạt động mà không thể hòa hợp với xã hội được.
Tất cả những điều này đều bắt nguồn từ những hoàn cảnh éo le, đầy lo âu, uất hận, thất vọng, hung hãn… Đau đầu dạng này thường kết hợp với trạng thái tâm lý lo âu nên còn gọi là loạn thần kinh lo âu, hoặc kết hợp với trầm cảm, hoang tưởng bị bệnh.
Liệu pháp tâm lý là phương pháp điều trị chính, thuốc giảm đau ít có tác dụng. Do đó, khi có biểu hiện, cần đi khám chuyên khoa tâm thần kinh để được khám xét và điều trị cơ bản.
Người bệnh cần được chụp căt lớp vi tính, cộng hưởng từ sọ não để loại trừ các bệnh lý có tổn thương thực thể tại não như u não, viêm não, đột quỵ não. Việc triển khai phối hợp liệu pháp hoá dược hợp lý và tâm lý thường mang lại hiệu quả tối ưu.
BSCKI Nguyễn Văn Tuấn
Bộ môn Thần kinh – Viện quân y 103