Đau đầu… học thời dịch

(khoahocdoisong.vn) - Đối với lớp 1, đọc và viết chữ là hai việc trọng tâm, rất cần sự hỗ trợ trực tiếp từ giáo viên, cô giáo phải “cầm tay chỉ việc” cho các em. Trong khi, dạy học online không thể thực hiện được điều đó.

Quyết định cho con học tạm ở quê

Ngày 17/8, Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiếp nhận, tạo điều kiện cho học sinh học tập tại nơi cư trú do dịch Covid-19.

Văn bản này đã “gỡ rối” cho nhiều phụ huynh có con đang ở quê tránh dịch, không kịp quay trở lại trường học để bắt đầu năm học mới, hoặc có nguyện vọng cho con học trực tiếp tại trường học ở quê, thay vì học trực tuyến.

Anh Phạm Bằng Tiến, Nam Từ Liêm, Hà Nội có con năm nay lên lớp 2. Khi dịch xảy ra, anh cũng “đau đầu” về việc con phải học trực tuyến kéo dài.

Bé Măng đã có những ngày hè thật vui ở quê ngoại.
Bé Măng đã có những ngày hè thật vui ở quê ngoại. 
Bé Măng đã có những ngày hè thật vui ở quê ngoại.

 




Để quyết định chuyển học tạm thời cho Măng – tên thân mật của con gái về trường ở quê ngoại, Thanh Hóa, vợ chồng anh dựa trên những tiêu chí gồm: Đánh giá việc học trực tuyến; Sự an toàn trước dịch Covid-19, chất lượng giáo dục ở thị trấn và khả năng thích nghi của con gái.

Anh Tiến chia sẻ, việc học nói chung phải đáp ứng được 2 điểm căn bản là học kiến thức trong sách giáo khoa và giao tiếp xã hội.

Học trực tuyến có thể đảm bảo cho học sinh học được kiến thức trong sách giáo khoa, nhưng tốn nhiều nguồn lực của gia đình. Ví dụ, phải mua máy tính, phải đảm bảo đường truyền internet, ba mẹ phải  giúp con học mà hiệu quả chưa chắc đã cao.

Về giao tiếp xã hội, việc học trực tuyến hoàn toàn không đảm bảo. Học ở trường giúp các con xây dựng mạng lưới bạn bè, giúp con phát triển kỹ năng giao tiếp xã hội, xử lý các mối xung đột, tạo môi trường cạnh tranh ở nhiều mặt… Điểm này cực kỳ quan trọng trong quá trình trưởng thành.

Ngoài ra, việc học trực tuyến kéo dài ảnh hưởng rất xấu đến mắt. Có thể cận thị sớm và nặng. Anh đã thử tìm nhưng hiện thị trường không có máy tính phù hợp cho lứa tuổi của con gái. Một số loại máy đọc sách có thiết kế màn hình phù hợp, nhưng lại không dùng để học được.

Trong khi đó, ở quê ngoại hiện tại đang là vùng an toàn. Chất lượng trường lớp nhìn chung ổn. Các anh chị lớn hơn Măng khi chuyển từ thị trấn ra Hà Nội học đều theo kịp chương trình, học tốt ở các cấp.

Khi được hỏi ý kiến, con gái đồng ý với phương án của bố mẹ. Ngoài ra, Măng cũng đã từng học 1 học kỳ mẫu giáo ở đây mà không có ba mẹ ở cùng. Ở lớp 1, Măng cũng học hai học kỳ ở 2 trường khác nhau, kết quả đều rất tốt.

“Tất nhiên, nếu không có lựa chọn khác, gia đình tôi sẽ vẫn chấp hành quy định học trực tuyến của Bộ GD&ĐT và cả nhà sẽ cùng cố gắng. Tuy nhiên, khi biết được công văn của Bộ thì chúng tôi quyết định cho con học trực tiếp ở quê thay vì trực tuyến”, anh Tiến chia sẻ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, cho đến thời điểm này, nhiều gia đình cũng đã quyết định cho con học ở quê giống như gia đình anh Tiến. Tuy nhiên, không ít phụ huynh vẫn còn đắn đo, băn khoăn, không biết nên lựa chọn thế nào.

Học trực tuyến khó với lớp 1, 2

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thúy Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, đối với lớp 3, 4, 5 việc học sinh chuyển học tạm thời ở quê sẽ không có vấn đề gì.

Tuy nhiên, đối với lớp 1, lớp 2, do mỗi tỉnh, mỗi huyện, mỗi trường có thể sử dụng một bộ sách giáo khoa khác nhau, cho nên, đây là vấn đề nhà trường đang rất băn khoăn.

Đồng thời cũng là một người tham gia biên soạn sách, bà Vân cho biết, tuy cùng nội dung chương trình của Bộ GD&ĐT, nhưng mỗi bộ sách có thể có sự tiếp cận, triển khai khác nhau. Ví dụ, ở thời điểm này học kỳ 1, bộ sách này đã học đến nội dung này, nhưng ở bộ sách khác, phải đến cuối năm mới học. Điều đó dẫn đến việc, khi quay trở lại trường ở Hà Nội, học sinh có thể sẽ phải học lại kiến thức đã học, trong khi đó, nội dung chưa học thì lại bị học qua mất rồi.

Để khắc phục điều này, nhà trường sẽ phải có các giải pháp kiểm tra, đánh giá, thậm chí, giáo viên có thể sẽ phải rà soát lại vở học sinh, xem các em đã học những gì, sau đó sẽ có phương án phù hợp, lấp lỗ hổng kiến thức cho các con.

“Đó sẽ là điều khó khăn đối với các trường ở Hà Nội khi tiếp nhận lại học sinh. Tuy nhiên, tôi vẫn khuyên các phụ huynh có con học lớp 1, lớp 2, đặc biệt là đối với học sinh lớp 1 có trong danh sách tuyển sinh của nhà trường, nên cho các con học trực tiếp ở quê, chứ không học trực tuyến, sách nào cũng được. Sau này, khi quay trở lại trường, nhà trường sẽ tiếp nhận vô điều kiện”, bà Vân cho biết.

Giải thích về điều này, bà Vân cho biết, học trực tuyến đối với lớp 1, lớp 2 không thể đạt được hiệu quả so với học trực tiếp do nhiều yếu tố.

Đầu tiên, là ở việc sử dụng thiết bị điện tử. Theo chương trình, khi đến lớp 3, học sinh mới được làm quen với máy vi tính. Đối với lớp 1 và lớp 2, việc phải làm quen với một số kỹ năng, dù đơn giản, như biết vào Zoom, biết thực hiện các thao tác… cũng là một khó khăn.

Ngoài ra, đối với lớp 1, lớp 2, khi học online cần có sự hỗ trợ của người lớn, nhất là đối với học sinh lớp 1. Tuy nhiên, khi lên lớp 1, các em sẽ phải chuyển từ hoạt động chủ đạo là chơi sang hoạt động chủ đạo là học. Các em vẫn còn giữ tâm lý mải chơi. Người thân dù có kèm nhưng không có khả năng sư phạm sẽ khó đưa các em vào nề nếp. Cô giáo do không quản lý trực tiếp nên cũng không bao quát, sát sao được với các em. Cũng chính vì vậy, việc truyền đạt các kiến thức sẽ rất khó đạt được hiệu quả, cho dù vẫn có sự tương tác giữa cô và trò.

Đặc biệt, đối với lớp 1, đọc và viết chữ là hai việc trọng tâm, rất cần sự hỗ trợ trực tiếp từ giáo viên, cô giáo phải “cầm tay chỉ việc” cho các em. Trong khi đó, dạy qua online, không thể thực hiện được điều đó. Cộng thêm học sinh và giáo viên chưa quen biết nhau, các ngôn ngữ các em chưa nắm rõ được... Đó là những khó khăn lớn.

Việc các em phải ngồi máy tính trong thời gian dài, liên tục, thiếu hoạt động tương tác với bạn bè… cũng sẽ không tốt cho sức khỏe.

“Cho nên, nhà trường sẽ tạo điều kiện hết sức để các em có thể học ở nơi cư trú. Và cha mẹ cũng nên cho các em học trực tiếp, thay vì trực tuyến”, bà Vân nói.

Bà Trương Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Nam Trung Yên, Hà Nội cho biết, phụ huynh có nguyện vọng học tại nơi cư trú do dịch Covid-19 cần làm đơn gửi lên nhà trường. Khi quay trở lại trường học, có bảng điểm xác nhận của trường học tại nơi cư trú. Việc học trực tuyến có hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào từng nhóm đối tượng học sinh. Tuy nhiên, theo bà, trong bối cảnh dịch còn diễn biến phức tạp, những học sinh đang ở quê do dịch Covid-19, đặc biệt là học sinh tiểu học, các em nên học trực tiếp tại nơi cư trú sẽ tốt hơn học trực tuyến.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top