Khoảng 2 tháng gần đây, chị H. (41 tuổi, Hà Nội) đang khỏe mạnh bình thường thì xuất hiện triệu chứng đau vùng cổ, vai, nhức vai phải. Cứ nghĩ do công việc ngồi nhiều gây đau mỏi cơ nên chị đã nghỉ ngơi, xoa bóp, chườm ấm vùng đau… nhưng bệnh không giảm mà càng ngày tay càng yếu không làm việc được, chị đành đi khám.
Kết quả chụp MRI cho thấy, trong đoạn tủy sống của chị H. từ khu vực cột sống cổ gáy đến giữa lưng hình thành hốc rỗng chứa đầy dịch tủy, các dịch này tích lại thành các khoang và nang hốc. Đây là biểu hiện đặc trưng của căn bệnh rỗng tủy (Syringomyelia) - bệnh mạn tính hiếm gặp ở tủy sống với tỷ lệ mắc rất ít: 8,4/100.000, thường tập trung ở độ tuổi 20 - 50.
Chụp cộng hưởng tử (MRI) để phát hiện bệnh rỗng tủy. |
TS.BS Nguyễn Vũ, Phó Trưởng khoa Ngoại Thần kinh Cột sống, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, rỗng tủy là bệnh mạn tính ở tủy sống do ở trong đoạn tủy sống hình thành một hốc rỗng ở trung tâm của chất xám chứa dịch não tủy. Dịch não tủy tích lại hình thành các khoang hoặc nang hốc phát triển lớn dần và gây hủy hoại tủy và biểu hiện lâm sàng bởi những rối loạn vận động, cảm giác và dinh dưỡng. Bệnh có thể gặp cả ở cổ, ngực và thắt lưng, tuy nhiên, tỷ lệ gặp nhiều nhất nằm ở ranh giới giữa tủy cổ và tủy ngực.
Theo TS Nguyễn Vũ, đa phần bệnh nhân rỗng tủy đến khám muộn và thường bị nhầm lẫn với bệnh khác, vì rỗng tủy đa phần là hậu quả của một bệnh khác như não úng thủy, u, dị dạng cổ chẩm… Vì vậy, để phát hiện sớm bệnh người bệnh đau nhức xương cần chú ý đến dị cảm (cảm giác kim châm kiến bò) khi đau gáy, vai, cánh tay và bàn tay... Đi cùng với đó là cảm giác yếu cơ, teo cơ và mất phản xạ gân cơ. Đôi khi mất nhận cảm đau hoặc nóng lạnh, đặc biệt là ở bàn tay. Ngoài ra, có thể gặp là đau và cứng gáy, vai, cổ, cánh tay và chân, rối loạn đại tiện và tiểu tiện.
Theo TS Nguyễn Vũ, việc phát hiện và điều trị sớm sẽ mang lại hiệu quả tích cực cho người bệnh. Do đó, mọi người cần chủ động đi thăm khám khi gặp các tình huống: Sau chấn thương, đặc biệt là vùng đầu và cột sống; Triệu chứng đau mỏi kéo dài, không đỡ hoặc đỡ ít khi nghỉ ngơi, xoa bóp; Khi xuất hiện các triệu chứng: tê bì, yếu cơ, giảm/mất cảm giác đau, nóng/lạnh, teo cơ...
BS Nguyễn Chí Phồn, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Phòng khám Đa khoa Thu Cúc cho biết, máy chụp cộng hưởng từ MRI có thể phát hiện chính xác nhất các tổn thương thần kinh tương ứng vùng cổ (thoát vị đĩa đệm, viêm tủy, u ống nội tủy, xơ cứng rải rác...). Nhất là khi có tiêm thuốc đối quang từ việc đánh giá tính chất tổn thương sẽ càng rõ và dễ chẩn đoán hơn. Đây là công cụ đáng tin cậy nhất để chẩn đoán bệnh phức tạp như rỗng tủy sống.
Theo các chuyên gia, rỗng tủy là bệnh mạn tính nên không để điều trị khỏi hoàn toàn. Hiện có 2 phương pháp điều trị bệnh là điều trị bằng nội khoa và ngoại khoa. Khi điều trị nội khoa không đỡ sẽ tiến hành điều trị ngoại khoa. Bởi nếu không được phẫu thuật, bệnh rỗng tuỷ sống thường dẫn đến yếu tay và chân tiến triển, mất cảm giác bàn tay và đau, yếu mạn tính...