Bệnh lý tim mạch ngày càng gia tăng.
Bệnh nhân Ngô Thị Sáu (Hà Đông, Hà Nội) phát hiện tăng huyết áp, đái tháo đường typ 2 nhiều năm, kiểm soát huyết áp chưa đạt mục tiêu. Ngày 22/7/2018 bệnh nhân đột ngột đau bụng dữ dội thượng vị và quanh rốn, đau xuyên ra sau lưng, đau liên tục, nghỉ ngơi không đỡ, đo huyết áp 180/70mmHg, vào viện phát hiện bóc tách động mạch chủ đoạn dưới động mạch thận, đã điều trị thuốc kiểm soát huyết áp, tần số tim, giảm đau.
Bệnh nhân CT ổ bụng phát hiện đoạn dưới động mạch thận 2 bên 45mm có đoạn bóc tách nhỏ đường kính ngang 13mm, dài khoảng 30mm, đường kính động mạch chủ bụng trên chỗ bóc tách 13mm và dưới chỗ bóc tách 12mm, đoạn kết thúc chỗ bóc tách cách ngã ba chủ chậu 15mm. Điện tâm đồ nhịp xoang 67ck/phút. Nguy cơ tai biến: chảy máu, nhiễm khuẩn.
TS Trần Đức Hùng, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện 103 cho biết, trước kia những bệnh nhân này thường phải phẫu thuật mở, tỷ lệ tử vong cao, nằm viện lâu và nhiều biến chứng, đặc biệt bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng, chảy máu, suy đa tạng. Nhất là những người cao tuổi thời gian bình phục lâu, biến chứng nặng.
Với kỹ thuật mới đặt sten graft các bác sĩ đưa một stent có màng phủ bao bọc vào động mạch chủ bụng dưới động mạch thận qua động mạch đùi bên phải. Sau đó chụp động mạch chủ bụng bằng một ống thông đi từ động mạch đùi bên trái, bác sĩ tiến hành bung stent Graft chụp kiểm tra lại không còn thấy bóc tách. Phương pháp này, bệnh nhân chỉ nằm viện khoảng 3 ngày, hồi phục nhanh, được bảo hiểm chi trả một phần. Đặc biệt đối với bệnh nhân người cao tuổi cũng có thể áp dụng một cách dễ dàng và hiệu quả.
Khoảng 4 trong 100 người đàn ông và khoảng 1 trong 100 phụ nữ trên 65 tuổi bị phình động mạch chủ bụng. Bệnh gặp nhiều hơn khi tuổi càng cao. Tuy nhiên, hầu hết những người bị phình động mạch chủ bụng không biết rằng họ đang mắc bệnh này. Hiếm khi phình động mạch chủ bụng xuất hiện ở người dưới 60 tuổi.
Lo ngại chính là phình động mạch có thể bị vỡ. Các thành của đoạn phình động mạch yếu hơn so với thành động mạch bình thường và có thể không chịu đựng được áp lực bên trong mạch máu. Nếu phình động mạch chủ bụng bị vỡ, xuất huyết nội nghiêm trọng xảy ra thường gây tử vong.
Phình động mạch chủ bụng thường không có triệu chứng. Tại thời điểm chẩn đoán, 7 trong 10 người bị phình động mạch chủ bụng không có bất kỳ triệu chứng nào trừ khi nó trở nên đủ lớn để gây chèn ép lên các cấu trúc lân cận. Các triệu chứng có thể có là đau bụng hoặc đau lưng nhẹ. Tuy nhiên, nguyên nhân gây đau bụng và đau lưng nhẹ có rất nhiều. Do đó, chẩn đoán phình động mạch chủ bụng có thể bị chậm trễ trừ khi phình động mạch chủ bụng đủ lớn để có thể sờ thấy được khi khám bụng.
Phạm Hằng