Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư: Sự thật che mờ không còn là sự thật

Bộ phim tài liệu “Ranh giới” công chiếu trên VTV mới đây đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả bởi những hình ảnh cảm động, chân thực, đau đớn. Tuy nhiên, cũng có một số tranh luận trái chiều về quyền riêng tư của bệnh nhân. Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư - tác giả kịch bản, đạo diễn của bộ phim đã có những chia sẻ với KH&ĐS về vấn đề này.
ta-quynh-tu.jpg

Nỗi đau ám ảnh

Bên cạnh sự thành công, có một số ý kiến cho rằng bộ phim đã vi phạm quyền riêng tư của bệnh nhân. Anh có ý kiến gì về điều này?

Là người làm nghề đương nhiên điều đó chúng tôi nghĩ đến đầu tiên. Khi hậu kỳ, tôi cùng ê kip và ban biên tập đã cân nhắc rất kỹ giữa chuyện có nên che mặt, làm mờ gương mặt bệnh nhân hay không. Với mong muốn tạo một tác phẩm có hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ nhất cho tuyên truyền chống dịch, tôi quyết định để khán giả xem những hình ảnh chân thực nhất. Mục đích của bộ phim là cho thấy sự khốc liệt kinh khủng của dịch Covid-19 để người xem tự ý thức việc bảo vệ bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội. Ngoài ra, bộ phim mang đến cho mọi người thấy hình ảnh chung của đội ngũ y bác sĩ, cán bộ y tế của cả nước đang căng mình chống dịch khó khăn như thế nào để làm sao hạn chế được số ca mắc bệnh, giảm tải gánh nặng cho ngành y tế.

Nhân vật xuất hiện trên phim hiện người còn, người mất, nhưng ở thời điểm ghi hình họ đều đồng ý chia sẻ câu chuyện. Với thai phụ không có khả năng phản kháng chúng tôi đã dùng thủ pháp quay qua vai, quay chút lưng hoặc lia máy từ xa xa không rõ mặt.

Có ý kiến nói rằng ê kip làm phim không được sự đồng ý của nhân vật người cha có con gái tử vong trong phim. Anh chia sẻ gì về điều này?

Chúng tôi có đủ thước phim theo chân người cha ấy từ khi bắt đầu vào viện làm thủ tục cho tới khi nỗi đau cao trào nhất, nếu không được phép làm sao có thể ghi hình. Chúng tôi quyết định không khai thác tận cùng nỗi đau của người cha ấy, chỉ chắt lọc hình ảnh ông bật khóc khi muốn gặp mặt con lần cuối và được nhân viên y tế cho xem qua ảnh. Một nguyện vọng bình thường mà cũng không thể thực hiện được vào thời khắc ấy. Người cha đó còn may mắn được nhìn thấy ảnh chứ nhiều người khác còn không có cơ hội. Do vậy, với một số nhân vật đã mất, tôi tin là bộ phim mang đến cho gia đình họ chút hình ảnh cuối cùng về người thân. Tôi đã đắn đo rất nhiều khi làm hậu kỳ. Tôi không che mặt nhân vật vì có những sự thật nếu che mờ sẽ không còn là sự thật nữa.

ranh-gioi.jpg
Cảnh trong phim "Ranh giới".

Một số khán giả ở góc độ khác cho rằng lấy nỗi đau của người ta đưa lên màn hình, bao nhiêu người nhìn vào đấy người ta sống làm sao?

Đấy là những thứ tôi đã trải qua rất nhiều trong quá trình làm phim. Chính những nỗi đau ấy giúp bộ phim mang đến cho khán giả những cảm xúc chân thực nhất. Các phóng sự về chiến tranh, thảm họa, thiên tai, người ta vẫn phải phơi bày chứ! Có những nỗi đau không nên né tránh.

Trong phim có nhiều khoảnh khắc đau đớn và xúc động. Chứng kiến những giây phút sinh tử đó khi đang tác nghiệp, cảm xúc của anh thế nào?

Có những lúc tôi không thể tiếp tục công việc vì xúc động, khóc, đau thương quá, nhưng sau đó xác định phải cân bằng, phải cố gắng lý trí hơn từ góc độ người quan sát. Nghề nghiệp thôi thúc mình ghi lại những khoảnh khắc đắt giá, nhưng lương tâm và tình cảm khiến tôi phải dừng tác nghiệp và chạy đi gọi bác sĩ vì tiếng thét đau đớn của bệnh nhân. Có nhiều lúc tôi phải buông máy hỗ trợ vì thiếu người khiêng bệnh nhân... Vẫn biết rằng bệnh nhân Covid-19 nặng sẽ khó thở nhưng phải tới khi tận mắt chứng kiến tôi mới hiểu nỗi kinh hoàng của không thở được là thế nào. Tôi sốc, bị ám ảnh bởi những bệnh nhân thèm thở mà không thể hít thở được, chỉ trong tích tắc có thể tử vong.

Thay đổi suy nghĩ về cuộc sống

Bộ phim đã tác động tới suy nghĩ và cách nhìn nhận cuộc sống của nhiều người, anh thì sao?

Chuyến công tác lần này và quá trình thực hiện bộ phim "Ranh giới" đã khiến bản thân tôi thay đổi suy nghĩ rất nhiều. Tôi cảm nhận được sự hy sinh của y bác sĩ, họ giành giật lại từng hơi thở cho bệnh nhân. Giữa ranh giới sinh tử đó, trong tích tắc, họ không còn là mối quan hệ bác sĩ-bệnh nhân nữa mà là tình người, cứu người. Tôi có động lực, có niềm tin hơn ở đội ngũ y tế, có nhiều suy nghĩ mới về cuộc sống. Tôi thấy mình may mắn vì còn đang được thở nên trân trọng cuộc sống hơn, sống mạnh mẽ và tử tế hơn.

Có điều gì khiến anh nuối tiếc, chưa làm được khi thực hiện bộ phim này?

Có một chi tiết rất đắt nhưng chúng tôi buộc phải bỏ, không thể quay. Đó là khi người cha đang ngồi ở bàn nói chuyện với bác sĩ và muốn gặp con. Đúng lúc đó con gái của anh nằm trên xe đẩy được đẩy qua sau lưng mà chúng tôi không dám nói. Chúng tôi sợ anh không ngăn được tình cảm sẽ lao ra với con mình. Chi tiết ấy ám ảnh tôi cho đến bây giờ. Nhớ về cảnh quay người cha đau đớn mất đi đứa con của mình, tôi thực sự ứa nước mắt. Sự đau xót khi phải chứng kiến điều đó rất là khủng khiếp.

Lựa chọn làm phim trong tâm dịch những ngày khốc liệt nhất, anh có nghĩ tình huống mình sẽ nhiễm bệnh không?

Tôi đã xác định việc có thể bị nhiễm là không tránh khỏi nên tâm lý thấy rất thoải mái. Tôi cũng đã tiêm văcxin nên nếu có nhiễm bệnh thì khả năng bị nặng cũng thấp. Nếu trường hợp xấu xảy ra, trước khi vào khu cách ly tôi phải có đủ nguồn dữ liệu để làm phim. Chính vì thế, ngay từ lúc bắt đầu công việc, chúng tôi làm việc với cường độ rất cao. Hơn nữa, khi tác nghiệp cũng bị cuốn theo cường độ làm việc cao của các y bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế. Cứu người cho mình động lực khó tả lắm! Tôi xác định đã dấn thân thì phải tới cùng, như chiến sĩ trên chiến trường thôi!

ranh-gioi-3.jpg

Sau “Ranh giới” anh đang dựng và hậu kỳ phim Ngày con chào đời, một bộ phim nói về những đứa trẻ sinh ra trong đại dịch Covid-19. Anh có thể chia sẻ gì về bộ phim này?

“Ranh giới” đề cập đến những giây phút bác sĩ giành giật lại sự sống cho bệnh nhân, những giọt nước mắt tử biệt còn “Ngày con chào đời” là tiếng khóc của sự sống, của những hy vọng tươi sáng hơn... Nếu như ở “Ranh giới” bác sĩ hối hả, lo lắng giành giật hơi thở cho bệnh nhân thì “Ngày con chào đời” các y bác sĩ bình yên, nhẹ nhàng chăm sóc những em bé vừa sinh. Tất nhiên hành trình chào đời đó vẫn gian lao, thiệt thòi bởi các con thiếu vắng mẹ cha. Nhưng đâu đó vẫn hiện lên sự đón đợi được bù đắp bởi tình cảm của các bác sĩ, của ông bà. Phim không nặng nề như phần trước mà mang hơi thở sức sống mới trong mùa dịch với những đoàn tụ, hạnh phúc...

Tôi thực sự biết ơn những nhân vật trong phim của tôi. Họ chính là những nhân chứng sống chứng minh sự khắc nghiệt của cuộc chiến chống Covid-19, góp phần mang lại hiệu quả tuyên truyền phòng chống đại dịch. Xin được gửi tới họ lời cảm ơn sâu sắc!

Chúc mừng anh về thành công của bộ phim! Cảm ơn anh đã chia sẻ cùng độc giả!

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư sinh ngày 1/1/1980 tại Hải Hậu, Nam Định. Anh tốt nghiệp chuyên ngành Nghệ thuật Điện ảnh, Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội, hiện công tác tại Trung tâm phim Tài liệu & Phóng sự - Đài Truyền hình Việt Nam. Anh đã giành được nhiều giải thưởng tại các Liên hoan truyền hình toàn quốc và các giải thưởng nghề nghiệp khác gồm: Giải thưởng của Ban Giám khảo cho phim ngắn Hai đứa trẻ tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ 5 và giải A của Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XI; Giải Nhì Liên hoan truyền hình châu Á - Thái Bình Dương và Giải Cánh diều Bạc của Hội Điện ảnh Việt Nam cho phim Miền đất hứa; Giải Bông sen Vàng phim tài liệu xuất sắc cho phim Chông chênh...

ta-tu.jpg
Theo Đời sống
back to top