Danh hiệu giờ không “thiêng”

ng Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đã đến lúc phải tìm đến người tốt mà khen thưởng, chứ không khen thưởng dựa trên cơ chế xin – cho.

Ông Nguyễn Túc

Dễ như mua danh hiệu

Tại hội nghị tổng kết năm 2016 và phương hướng năm 2017 của Hội đồng thi đua khen thưởng trung ương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng trong thời gian qua trong dư luận, nhân dân có sự phản ứng về những biểu hiện thiếu lành mạnh trong công tác thi đua, khen thưởng như chưa làm nổi bật tấm gương người tốt việc tốt, chưa chọn được tấm gương tiêu biểu. Trong khi người tốt thường có lòng tự trọng nên không đi xin bằng khen. Ông có đồng tình với chia sẻ này của Thủ tướng?

Tôi rất đồng tình với nhận định của Thủ tướng. Thời tôi, có bao giờ có chuyện phải đi xin khen thưởng đâu. Thế hệ chúng tôi thậm chí đến lúc mình được khen thưởng cũng chẳng biết. Sau này các đồng chí thấy phong trào phát triển nên gợi ý việc đề xuất xét khen thưởng từ các đơn vị đệ trình lên. Thành ra các anh hùng, chiến sỹ thi đua thời đó thực sự là người tiêu biểu cho phong trào.

Nhưng khi bước sang cơ chế thị trường thì dần dần xảy ra tình trạng xin khen thưởng, mua khen thưởng, mua danh hiệu. Đó thực sự là những hạt sạn trong phong trào thi đua. Dẫn đến người được nhận danh hiệu không còn “thiêng” nữa, thậm chí còn bị người dân coi thường.

Trước đây chưa hội nhập, kinh tế còn đơn giản, việc khen thưởng chắc có lẽ đa phần là những người sản xuất trực tiếp?

Đúng thế. Bác Hồ thường đọc báo, thấy có các tấm gương lao động điển hình thì thường gửi tặng huy hiệu. Huy hiệu của Bác là một niềm vinh dự to lớn, cổ vũ tinh thần ghê gớm, người được tặng luôn tâm niệm mình phải làm việc, phải giữ đạo đức trong sáng cho xứng với huy hiệu ấy.

Người được khen chủ yếu là những người lao động trực tiếp, người có sáng kiến thực sự, được áp dụng có hiệu quả và thừa nhận. Có vẻ như con người thời đó có cái tâm sáng hơn bây giờ. Những anh hùng thi đua trong thời kỳ ấy đều là những tấm gương sáng, giờ vẫn có những người còn sống.

Tiêu cực trong công tác thi đua khen thưởng xuất hiện từ bao giờ?

Từ khi đất nước mở cửa với nền kinh tế thị trường, việc xin khen thưởng sau này mới có, và càng ngày càng có chiều hướng phát triển với những vấn nạn như mua danh hiệu, mua thương hiệu…

Sức lan tỏa của những người được khen thưởng không còn nhiều, không “thiêng” và không có vai trò dẫn dắt dư luận như thời xưa.

Nhưng quy trình khen thưởng hiện nay vẫn là giới thiệu rồi người được khen thưởng làm hồ sơ xét duyệt sau đó mới được xét khen thưởng. Phải chăng quy trình của chúng ta có lỗi?

Không phải, quy trình ấy không có lỗi, lỗi ở những người được giao cho làm việc đó, họ không công tâm. Người được giao trách nhiệm thực hiện quy trình không làm đúng, hay nói cách khác là có sự mua bán, mặc cả trong quá trình thực hiện quy trình

. Thời xưa không có những chuyện này đâu. Đây cũng là sự thoái hóa về phẩm chất đạo đức của một số cán bộ đảng viên trong lĩnh vực thi đua khen thưởng. Thành ra khen thưởng không thực chất ở một số nơi.

Tâm không sáng

Mấu chốt của vấn đề khen thưởng chưa đúng, chưa trúng là do người làm công tác thi đua khen thưởng?

Đúng, vì tâm của một số người không sáng, bị thương mại hóa, bị mua chuộc nên mới để xảy ra tiêu cực. Rồi các cơ quan quản lý cũng chưa thực sự sát sao, chỉ đạo quyết liệt, còn buông lỏng nên mới xảy ra như thế.

Làm thế nào để chúng ta khen thưởng đúng người, trúng người?

Những cán bộ chuyên trách về thi đua khen thưởng phải tìm hiểu ở từng cấp thì mới phát hiện ra chứ. Còn nếu cứ ngồi ở trên nhìn xuống thì làm sao mà thấy đúng được người tốt việc tốt. Hay chỉ dựa trên danh sách đưa lên thì cũng không chính xác.

Thủ tướng phải có tổ công tác, thay nhau xuống địa phương để phát hiện vấn đề, sâu sát như thế mới phát hiện ra người thực việc thực.

Bởi có những người thành tích rất nhiều, đóng góp thì vô kể, nhưng họ có lòng tự trọng, họ không đi xin khen thưởng bao giờ. Thế thì làm sao mà tôn vinh đúng người nếu chỉ chờ vào danh sách đưa lên hay chờ vào hồ sơ xin bằng khen.

Chắc hẳn số người như thế cũng không ít?

Nhiều lắm chứ. Vừa rồi có chuyện nhạc sỹ Phạm Tuyên nhất định không làm hồ sơ xin xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Là vì ông ấy quan niệm nếu mình xứng đáng thì tự khắc sẽ được tôn vinh, cần gì phải đi xin ai. Quan điểm đó không sai tí nào. Những người tự trọng họ thường như vậy.

Bởi thế mà tác động xã hội từ người được khen thưởng không nhiều?

Trong công tác thi đua khen thưởng cũng có những cái được, nhưng nhiều cái chưa được. Trong những người được khen thưởng, có nhiều người xuất sắc, nhưng cũng có những người mua, xin. Ví dụ như trường hợp Trịnh Xuân Thanh đấy.

Rồi một loạt những trường hợp bị đưa ra xét xử ấy, cũng là những người đã từng được khen thưởng. Ví dụ đơn giản nhất là danh hiệu gia đình văn hóa. Có nơi đến 97% là gia đình văn hóa nhưng vẫn đánh chửi nhau, nghiện hút, mại dâm… Vừa rồi ta đã phải kiểm điểm lại công tác này.

Giá trị tinh thần lớn hơn cả

Có một thực trạng là danh sách đề nghị khen thưởng đa phần là lãnh đạo, điều này đúng là cũng bất cập?

Đúng là thế. Phải nói thật rằng tình trạng khen thưởng chưa chọn được những tấm gương thực sự tiêu biểu, lay động lòng người, công tác khen thưởng nhiều lúc vẫn còn hình thức và khen lãnh đạo nhiều quá.

Nhiều khi việc khen thưởng lãnh đạo xuất phát từ việc có huân huy chương thì thăng tiến, bổ nhiệm dễ hơn. Do đó các lãnh đạo, giám đốc được khen thưởng nhiều hơn. Điều này là không đúng với tinh thần của công tác thi đua khen thưởng đâu.

Vừa rồi tổng kết công tác thi đua khen thưởng, ngay ở trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng có nhiều người nói ra những chuyện này. Tư tưởng thi đua khen thưởng ngày càng mang màu sắc thương mại, điều này rất nguy hiểm.

Trong khen thưởng thì cái gì là quan trọng, phần thưởng hay danh hiệu thưa ông?

Thực ra phần thưởng mấy triệu đồng thì cũng không đáng gì, quan trọng nhất là giá trị tinh thần và nêu gương, làm người ta thấy tự hào, người ngoài thấy khâm phục và phấn đấu để đạt được danh hiệu ấy thì nó mới là phong trào tốt.

Còn nếu cứ tái diễn mua danh hiệu, mua bằng khen, thì người ta mất niềm tin vào công tác này, không tôn trọng người được khen thưởng.

Làm thế nào để khắc phục những tồn tại trong công tác khen thưởng hiện nay?

Cán bộ làm công tác khen thưởng hãy xuống cơ sở nhiều hơn, hãy khen nhiều hơn những người trực tiếp lao động sản xuất chứ đừng khen lãnh đạo nhiều quá! Đừng khen không đúng người và đừng làm phong trào thi đua khen thưởng trở nên hình thức, không còn là động lực để người ta phấn đấu.

Xin cảm ơn ông!

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Thị Hà – Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng thi đua khen thương trung ương báo cáo: trong năm 2016, Ban Thi đua khen thưởng Trung ương đã trình Thủ tướng tặng 22 cờ thi đua của Chính phủ và 33 bằng khen của Thủ tướng cho 55 bộ, ban, ngành, địa phương; Đề nghị phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc cho 102 cá nhân, để lại 42 trường hợp do chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn quy định. Bà Hà cũng thừa nhận tình trạng một số phong trào hiệu quả chưa cao, chưa đi vào chiều sâu, hình thức và nội dung thi đua chưa phong phú, đa dạng, chưa phát huy hết tác dụng của các phong trào. Chất lượng công tác khen thưởng tuy đã được nâng lên nhưng cá biệt vẫn có những tập thể, cá nhân được khen thưởng mà thành tích chưa thật tiêu biểu.

Tô Hội (thực hiện)

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
back to top