Thuê phòng học, vẫn tuyển hàng nghìn chỉ tiêu ?
Được biết, hàng năm Đại học Quốc tế Bắc Hà đăng ký hàng nghìn chỉ tiêu đào tạo với Bộ GD&ĐT. Trong đó, chỉ riêng năm 2019 trường đăng ký tổng số 1.250 chỉ tiêu. Tại khoản 2 điều 6 của thông tư số 06/2018/TT-BGDĐT có quy định về tiêu chí diện tích sàn xây dựng, trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của cơ sở giáo dục tính trên một sinh viên chính quy, và yêu cầu về chủng loại, số lượng học liệu, trang thiết bị tối thiểu theo yêu cầu của chương trình đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Do hầu như trường Bắc Hà đang đi thuê cơ sở giảng dạy, có thể thấy trường khó lòng đảm bảo các yêu cầu điều kiện theo quy định này. Đáng chú ý, dù cơ sở vật chất hoàn toàn đi thuê, nhưng khá ấn tượng là Đại học Quốc tế Bắc Hà lại đang đào tạo nhiều sinh viên nước ngoài. Cụ thể là sinh viên của 2 nước Lào và Campuchia.
Thông báo trúng tuyển của ĐH Quốc tế Bắc Hà với các lưu học sinh nước bạn Lào và Campuchia do ông Phạm Văn Hiệp - P. Hiệu trưởng ký |
Theo Đài Phát thanh truyền hình Bắc Ninh ngày 15/12/2018, Đại học Quốc tế Bắc Hà tổ chức đón tiếp cán bộ, sinh viên Lào và Campuchia sang thăm, học tập tại trường. Tại buổi lễ này, đại diện trường cho biết "với thế mạnh là cơ sở đào tạo Đại học đa ngành, đa lĩnh vực, không ngừng triển khai và mở rộng hợp tác Quốc tế ở các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Trong năm học 2018 - 2019, trường sẽ tiếp nhận 300 sinh viên Quốc tế, trong đó, các sinh viên đến từ Lào và Campuchia sẽ được tạo điều kiện tối đa về cơ sở vật chất cũng như được miễn học phí trong suốt quá trình học tập".
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh - ông Nguyễn Văn Phong - nhấn mạnh, công tác giáo dục và đào tạo được Bắc Ninh đặc biệt quan tâm, nhiều tiêu chí đứng tốp đầu của cả nước. Ông Phong mong muốn: Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ tăng cường phối hợp với Đại học Quốc tế Bắc Hà tạo điều kiện tốt nhất sinh viên hai nước Lào và Camphuchia.
Vậy các Lưu học sinh này tham gia học tập thuộc diện Hiệp định là người nước ngoài được tiếp nhận học tập tại Việt Nam và được Chính phủ Việt Nam cấp học bổng ?. Hay là lưu học sinh người nước ngoài được tiếp nhận học tập tại Việt Nam theo thỏa thuận, hợp đồng đào tạo giữa cơ sở giáo dục Việt Nam với cá nhân lưu học sinh hoặc các tổ chức, cá nhân tài trợ học bổng cho lưu học sinh ?. Nhưng với cơ sở vất chất đi thuê như trên, không biết chất lượng đào tạo của các lưu học sinh này đang được báo cáo và kiểm định như thế nào, thì vẫn đang là câu hỏi ngỏ?.
Đồng thời, như trong bài trước đã dẫn, 15ha được tỉnh Bắc Ninh giao nhưng hiện chưa xây dựng liệu có được Đại học Quốc tế Bắc Hà tính vào tổng diện tích để xác định chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm gửi Bộ GD&ĐT?
Từng bị yêu cầu dừng đào tạo
Sai phạm tại Đại học Quốc tế Bắc Hà có lẽ không phải lần đầu, mà đã diễn nhiều lần, với nhiều hình thức. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT vẫn chỉ “phạt” và cho tồn tại. Có thể điểm qua các sai phạm như sau:
Năm 2013, sau 5 năm thành lập, Đoàn kiểm tra liên ngành của Hà Nội đã kiến nghị Bộ GD&ĐT cho dừng hoạt động đối với Đại học Quốc tế Bắc Hà. Lý do: trường thành lập và đăng ký trụ sở chính tại tỉnh Bắc Ninh, nhưng nhiều năm vẫn tuyển sinh, đào tạo tại 56 Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, Hà Nội, dù chưa được UBND TP Hà Nội và Bộ GD&ĐT đồng ý. Tuy nhiên, sang năm 2014, Đại học Quốc tế Bắc Hà vẫn công bố tự chủ tuyển sinh và được Bộ GD&ĐT đồng ý.
Gần nhất, ngày 15.8.2019, Đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT đã kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng trực cho công tác tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học tại Đại học Quốc tế Bắc Hà. Qua kiểm tra thực tế, Đoàn kiểm tra đã yêu cầu Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà dừng toàn bộ việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin kể từ ngày 15.8.2019.
Cụ thể, Đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT yêu cầu Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà dừng toàn bộ việc Tổ chức kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo Quyết định số 30/2008/QĐ-BGDĐT ngày 6.6.2018 của Bộ GD&ĐT về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo chương trình giáo dục thường xuyên. Dừng tổ chức thi và cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin theo Thông tư liên tịch số 17/2016/TTLT-BGDĐT-BTTTT ngày 21.6.2016 của Bộ GD&ĐT, Bộ TT&TT quy định tổ chức thi và cấp chứng chỉ công nghệ thông tin từ ngày 15.8.2019.
Văn bản của nước bạn Campuchia hỏi Bộ GD&ĐT Việt Nam về chất lượng của Đại học Quốc tế Bắc Hà (Văn bản do bạn đọc cung cấp sau khi báo Khoa học và Đời sống đăng tải bài viết: Đại học Bắc Hà: Trường "quốc tế", nhưng chỗ học đi thuê) |
Căn cứ theo khoản 3 điều 6 Quyết định số 64/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Sau thời hạn 04 năm, kể từ khi Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thành lập hoặc cho phép thành lập trường có hiệu lực, nếu trường không đủ điều kiện để được phép hoạt động đào tạo thì Bộ GD&Đào tạo có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định hủy bỏ Quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trường nêu trên. Đồng thời Bộ GD&ĐT có văn bản thông báo gửi UBND tỉnh, thành phố nơi trường đặt trụ sở để xử lý thu hồi quyền sử dụng đất xây dựng trường đã giao theo thẩm quyền.
Mục đ, khoản 1, điều 13, Quyết định số 64/2013/QĐ-TTg, thì Trường đại học bị giải thể khi: Không thực hiện đúng cam kết thể hiện trong đề án được phê duyệt sau thời hạn 04 năm, kể từ ngày quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập có hiệu lực.
Đối chiếu với thực tế hoạt động và vi phạm vi trong hoạt động đào tạo, việc thực hiện cam kết 4 năm qua, có thể đặt câu hỏi Đại Quốc tế Bắc Hà đã hội tụ đủ điều kiện để thu hồi Quyết định thành lập trường hay chưa?