Đại biểu QH: Ở nhiều nước, bác sĩ làm quản lý chỉ chịu trách nhiệm chuyên môn

Đại biểu Nguyễn Công Long cho rằng, cần khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý để không phải thấy cảnh một bác sĩ phải vướng vào vòng lao lý bởi những việc lẽ ra không phải làm.

Không gì đau xót hơn khi pháp luật phải xử lý tinh hoa đất nước

Sáng 8/11, tại phiên thảo luận tại Hội trường về kế hoạch phát triển KH-XH và công tác phòng chống dịch, Đại biểu Nguyễn Công Long (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp) cho biết, trong 2 năm qua, đất nước đã trải qua thử thách chưa từng có.

dai-bieu-nguyen-cong-long.jpg
Đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) trong phiên thảo luận sáng 8/11. Ảnh: Diên Hồng.

Hàng vạn bác sĩ, nhân viên y tế không quản hi sinh, gian khổ, xông pha vào tuyến đầu chống dịch để điều trị, chăm sóc cho đồng bào bị nhiễm Covid-19.

Nhưng cùng với đó, thời gian qua, cũng không ít cán bộ quản lý ngành y tế các cấp vi phạm pháp luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ông không có ý bào chữa cho ai bởi dù là thầy thuốc, mọi vi phạm đều phải được xử lý nghiêm minh. 

Tuy nhiên, việc nhiều người được xã hội nể trọng, được coi là chuẩn mực với những danh xưng cao quý như người thầy lại vi phạm pháp luật thì đó là hiện tượng rất đáng lo ngại cả về góc độ pháp luật, đạo đức xã hội và quản trị đất nước.

Theo đại biểu, nhìn lại các vụ án vừa qua thì thấy, số cán bộ y tế là quản lý các bệnh viện bị truy cứu trách nhiệm hình sự không chỉ ở các tội phạm về chức vụ mà còn là tội phạm về kinh tế, như vi phạm các quy định về đấu thầu, vi phạm các quy định về kế toán.

Có lẽ, khi thông qua Bộ luật Hình sự 2015, các nhà làm luật cũng không thể hình dung được tội phạm về kinh tế có thể chuyển hoá như vậy. Chủ thể tội phạm về kinh tế không chỉ là những người hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mà còn là các cán bộ quản lý trong lĩnh vực y tế, giáo dục.

Vậy những vi phạm của các bác sĩ trong quản lý, điều hành các bệnh viện công lập có những nguyên nhân từ bất cập của hệ thống pháp luật và việc quản lý, điều hành nền kinh tế hay không?

Ông Long cho rằng, nghề y là nghề đặc biệt, bác sĩ là những người được đào tạo chuyên sâu. Khi một bác sĩ được được cất nhắc làm quản lý bệnh viện phải hội tụ nhiều yếu tố, phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, uy tín cá nhân và đặc biệt là năng lực chuyên môn.

Với chức trách, nhiệm vụ quản lý, điều hành một bệnh viện công, ngoài vấn đề chịu trách nhiệm cao nhất về chuyên môn, Giám đốc bệnh viện phải chịu trách nhiệm điều hành toàn bộ hoạt động khác về hành chính, cơ sở vật chất...

Một giám đốc bệnh viện công lập thì không chỉ bảo đảm sinh mạng cho từng bệnh nhân, không chỉ trực tiếp cầm dao mổ ở những ca phẫu thuật phức tạp nhất mà còn phải chịu trách nhiệm cả những việc từ gửi xe, xử lý rác, mua sắm sinh phẩm, vật tư y tế, chịu trách nhiệm trong việc đấu thầu các thiết bị y tế...

"Với những yêu cầu đặt ra đó, chỉ những bác sĩ có kỹ năng đặc biệt, với trình độ đặc biệt mới đảm đương toàn mỹ những nhiệm vụ đặt ra cho họ", ông Long nói.

Ngày 21/10/2021 Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, theo Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Những sai phạm xảy ra trong quá trình ông Tuấn làm Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, thực hiện đấu thầu mua sắm thiết bị và thực hiện hợp đồng đối với gói thầu trang thiết bị y tế, vật tư y tế, trong đó có vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch từ năm 2015.

Ngày 06/11/2021 Ông Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức bị cáo buộc về việc thông đồng với doanh nghiệp để mua thiết bị vật tư y tế, gây thiệt hại cho Nhà nước. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các thủ tục tố tụng gồm Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét và Lệnh bắt bị can để tạm giam về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Bộ Công an đang mở rộng điều tra, làm rõ vi phạm của những người liên quan, thu hồi tài sản cho Nhà nước và người bệnh.

Cần khẩn trương hoàn thiện cơ chế pháp lý bảo vệ bác sĩ

Ông Long cho biết, qua tham khảo mô hình y tế trên thế giới và một số các chuyên gia thì thấy trong cơ sở y tế, các bác sĩ dù giữ cương vị quản lý cũng chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi chuyên môn của mình.

Các bác sĩ có quyền đưa ra yêu cầu về thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết trong việc bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ chữa bệnh, phòng bệnh. Còn nhiệm vụ cung ứng, đấu thầu, mua sắm do hội đồng chuyên trách khác đảm nhiệm.

Vậy phải chăng cơ chế quản lý chưa phù hợp, thiếu sự phân định trách nhiệm, tổ chức thực hiện giữa các nhiệm vụ hoàn toàn khác nhau, đòi hỏi chuyên môn khác nhau là một trong những nguyên nhân dẫn đến sai phạm của cán bộ quản lý bệnh viện công trong thời gian qua?

Từ những phân tích đó, ông Long cho rằng, cùng với việc xử lý nghiêm các sai phạm, cơ quan chức năng cần khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác quản lý, điều hành hệ thống y tế, nhất là điều hành hệ thống bệnh viện công.

Điều này không chỉ nâng cao năng lực ngành y tế, bảo đảm điều trị chăm sóc sức khoẻ của nhân dân ngày càng tốt hơn, mà còn ngăn ngừa hiệu quả những hành vi vi phạm tiêu cực trong nền kinh tế.

Đặc biệt còn là để chúng ta không phải thấy cảnh một bác sĩ phải vướng vào vòng lao lý bởi những công việc đáng lẽ họ không phải làm hoặc không được làm.

Theo Đời sống
Việc miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên UBND bằng hình thức biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín. (Ảnh minh hoạ).

Hà Nội và TPHCM có không quá 5 phó chủ tịch UBND

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký xác thực Văn bản hợp nhất ban hành Nghị định quy định số lượng phó chủ tịch UBND và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên UBND.
back to top