Cứu sống bệnh nhân nhồi máu cơ tim

Nhờ làm chủ về kỹ thuật và xử lý nhanh tình trạng báo động đỏ, các bác sĩ khoa Nội tim mạch, BV Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) đã cứu sống được BN nhồi máu cơ tim cấp (NMCT) có biểu hiện sốc, block nhĩ thất cấp 3 và nhiều bệnh lý nặng phối hợp.

Báo động đỏ – đặt stent cứu BN sau 30 phút nhập viện

BN Nguyễn Đức H. 67 tuổi (Hoàng Thạch, Minh Tân, Kinh Môn, Hải Dương) đến viện cấp cứu ngày 11/11 trong tình trạng đau ngực trái, cơn đau kéo dài hơn 30 phút, đau vã mồ hôi, huyết áp tụt….Thăm khám phát hiện BN có biểu hiện sốc tim, block nhĩ thất cấp 3 – tình trạng báo động đỏ cực kỳ nguy hiểm.

Cứu sống bệnh nhân nhồi máu cơ tim

Các bác sĩ đã hồi sức tích cực và chụp mạch vành xâm lấn qua da để đánh giá mức độ tổn thương. Kết quả chụp mạch vành trên thiết bị chụp mạch số hoá xóa nền DSA cho thấy người bệnh bị tắc hoàn toàn từ cuối đoạn I động mạch vành phải. Sau 30 phút nhập viện, BN đã được đặt stent động mạch vành phải tháo bỏ nút tắc, người bệnh được cứu sống.

Ths.Bs Hoàng Minh Quang, Phó trưởng khoa Nội tim mạch, BV Việt Nam–Thụy Điển Uông Bí cho biết, đây là trường hợp báo động đỏ, được quy định phải xử lý cấp cứu nhanh trong vòng 30-60 phút nếu không BN sẽ tử vong. Đặc biệt, BN này bệnh nặng và rất phức tạp.

BN không chỉ bị NMCT do tắc hoàn toàn động mạch vành mà còn bị nhiều bệnh lý nặng: huyết áp cao, đái tháo đường, hen phế quản. Trong quá trình can thiệp nhịp tim BN không ổn định, đồng thời liên tục tụt huyết áp. Kíp can thiệp đã phải đặt máy tạo nhịp tim tạm thời giúp nhịp tim người bệnh ổn định, dùng thuốc tăng huyết áp để tiến hành can thiệp. Sau 5 ngày can thiệp, người bệnh đã ổn định, không còn tình trạng đau tức ngực.

Cứu trong “giờ vàng” tránh tai biến

Ths.Bs Hoàng Minh Quang, may mắn BN đến viện sớm và được can thiệp trong giờ vàng giúp giảm các tai biến và biến chứng. NMCT là bệnh lý nguy hiểm đe dọa tính mạng do tắc nghẽn đột ngột mạch máu nuôi tim. Khi cơ tim hoàn toàn không được cung cấp máu thì cơ vùng cơ tim ấy sẽ hoại tử gây triệu chứng đau ngực dữ dội.

Đặc biệt, tim là nơi co bóp để duy trì lưu lượng máu đến các cơ quan khác, do đó khi không còn cung cấp máu sẽ tạo ra mất ổn điện học và tim không duy trì nhịp co bóp đều đặn gây loạn nhịp trong những giờ đầu thường là rung thất và ngưng tim-người bệnh sẽ tử vong. Một số BN nếu may mắn thoát chết thường phải đối mặt với bệnh vẫn còn tiến triển hoặc biến chứng suy tim …

Do đó, việc phát hiện, chẩn đoán và can thiệp sớm (trước 6 giờ) không chỉ giúp cứu sống BN mà còn tránh được các tai biến nguy hiểm do bệnh gây nên.

Trước đây, khi BV chưa được chuyển giao kỹ thuật can thiệp mạch, BN thường phải chuyển lên tuyến trên, bỏ qua giờ vàng, thậm chí mất cơ hội cứu sống. Từ tháng 11/2015 đến nay, nhờ sự chuyển giao kỹ thuật cao trong điều trị bệnh lý tim mạch  từ Viện Tim mạch Quốc gia, BV đã làm chủ được kỹ thuật, chụp mạch và đặt Stent, nhờ đó nhiều BN bị NMCT như kể trên được cứu sống.

Bởi NMCT là hiện tượng mạch máu nuôi tim (động mạch vành) bị tắc nghẽn khiến cơ tim chết đi và không thể hồi phục. Nếu không điều trị kịp thời (tốt nhất là trong vòng 6 giờ từ khi bị bệnh), vùng cơ tim bị tổn thương sẽ lan rộng và dẫn đến tử vong. Nếu tổn thương nhỏ, BN sẽ bị suy tim, khó thở, phù… hoặc tăng nguy cơ đột tử.

Ths.Bs Hoàng Minh Quang cảnh báo, NMCT thường xảy ra ở nam giới trên 45 tuổi và phụ nữ đã mãn kinh (sau 50 tuổi). Tuy nhiên, những người trẻ hơn cũng có thể bị tai biến này. Bệnh thường xảy ra ở những người bị tiểu đường, tăng cholesterol máu, tăng huyết áp, béo phì, hút thuốc lá, ít hoạt động thể lực.

Vì vậy, đối tượng này nên đi khám tim mạch thường xuyên. Nếu thấy có biểu hiện đau ngực trái dữ dội, đau có kèm theo vã mồ hôi và khó thở, mệt nhiều, đau lan ra cánh tay cẳng tay trái đến ngón út và áp út bàn tay trái, hoặc có thể lan sau lưng hoặc hàm dưới trái…cần nghĩ tới bệnh mạch vành và đi cấp cứu ngay.

Thúy Nga

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top