Cuộc thi KHKT dành cho học sinh: “Cuộc chơi” của người lớn?

(khoahocdoisong.vn) - Trao đổi bên hành lang Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cho rằng, nên duy trì cuộc thi Khoa học kỹ thuật, như một sân chơi cho các em. Tuy nhiên, phải làm sao để đó thực sự là một sân chơi lành mạnh.

Nghi ngờ cuộc thi có nhiều "gian dối”

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2020 – 2021 vừa diễn ra tại Thừa Thiên - Huế từ ngày 25 - 27/3.

Ngay sau khi có kết quả cuộc thi, đã có những phản ánh nghi ngờ sự “thiếu trung thực” của một trong số những dự án đoạt giải Nhất.

Cụ thể, dự án “Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà” của nhóm học sinh Trường THPT Hoa Lư A, tỉnh Ninh Bình đạt giải Nhất năm nay được cho là tương tự với một dự án từng tham gia cuộc thi này năm 2019 có tên là “Giường I.o.T hỗ trợ người mất khả năng vận động tay chân”.

Hai dự án có tên tương tự và cùng đến từ Trường THPT Hoa Lư A, Ninh Bình dẫn đến một số ý kiến nghi ngờ về sự thiếu trung thực.

Ngoài ra, sự nghi ngờ còn đến từ việc, một số dự án được cho là quá khó, “vượt khả năng” đối với học sinh THPT. Ví dụ, đề tài "Nghiên cứu phân lập các hợp chất ức chế tăng sinh tế bào cơ trơn động mạch chủ và hoạt hóa eNOS trên tế bào ECV304 từ một số loài làm thuốc thuộc chi Polygonum L. định hướng phòng và điều trị xơ vữa động mạch" của nhóm học sinh ở Hải Phòng.

Hay dự án "Cải tiến peptit polybia-mp1 để ứng dụng trong điều trị ung thư" của hai học sinh ở Thanh Hóa cũng làm dấy lên băn khoăn, liệu, với thực tế giảng dạy các môn sinh học, hóa học trong trường phổ thông hiện nay còn nặng tính lý thuyết, thì việc các em nghiên cứu được các chất ứng dụng điều trị ung thư có thể hay không?

Nhiều ý kiến cho rằng, cuộc thi KHKT dành cho học sinh nhưng đã biến thành “cuộc chơi” của người lớn: Các trường thì lấy thành tích, còn phụ huynh kiếm một “suất” cho con vào thẳng đại học. Mang danh là các em đi thi, nhưng lại là cuộc thi giữa những “người lớn”, và đề tài cũng do “người lớn” nghĩ hộ.

Trao đổi với phóng viên, một giảng viên một trường đại học ở Hà Nội cho biết, từ thực tế dạy học một số em sinh viên được tuyển thẳng từ các cuộc thi KHKT, thì hoàn toàn có thể đặt câu hỏi về tính minh bạch của cuộc thi.

“Kiến thức nền về Toán, Tin học của các em rất yếu. Vậy mà các em lại đoạt những giải thưởng về Al… Thật khó hiểu. Tôi có cảm giác như ai đó đã làm hộ các em. Bởi với kiến thức như vậy không thể làm ra những sản phẩm như vậy được. Theo tôi, nên chấm dứt cuộc thi này”, giảng viên này cho biết.

Nên chấm dứt cuộc thi cũng là ý kiến chung của nhiều ý kiến trên nhiều diễn đàn. Các ý kiến cho rằng, kết quả cuộc thi sẽ dùng để tuyển thẳng đại học, từ đó tạo ra sự mất công bằng cho các thí sinh khác.

Nên khuyến khích những đam mê, không nên “vơ đũa cả nắm”

Đại biểu Quốc hội Tăng Thị Ngọc Mai.

Đại biểu Quốc hội Tăng Thị Ngọc Mai.

Trao đổi với phóng viên bên lề Quốc hội về những “lùm xùm” xung quanh cuộc thi KHKT, đại biểu Quốc hội Tăng Thị Ngọc Mai, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, đứng ở góc độ giáo dục, bà thấy cuộc thi KHKT bổ ích cho học sinh.

Bởi vì theo chương trình hiện hành, học sinh mới chủ yếu được học lý thuyết, sân chơi dành cho các em sáng tạo, thực hành chưa có nhiều.

Trong khi đó, nhiều em rất thông minh. Nếu có cơ hội cho các em luyện tập, biến ước mơ, lý tưởng của mình thành hiện thực, với sự hỗ trợ, đồng hành từ  bạn bè, thầy cô sẽ rất tốt.

Cuộc thi KHKT sẽ là bước đầu để giúp cho các em làm quen với nghiên cứu, khoa học. Nếu cuộc thi có sự cải tiến, tổ chức cho tốt hơn thì sẽ tạo động lực cho các em trong việc tìm tòi suy nghĩ và sáng tạo từ khi còn trên ghế nhà trường.

Về những nghi ngờ liên quan tới việc thiếu nghiêm túc của cuộc thi, bà Mai cho rằng cần phải rà soát lại. Nếu những phản ánh của báo chí là đúng, thì cần có những biện pháp khắc phục.

Thứ nhất, cần xem lại tiêu chí của cuộc thi là gì, điều kiện, mức độ yêu cầu đối với những dự án tham gia… cần phải phù hợp với học sinh.

Thứ hai, là kiên quyết loại bỏ những hành vi gian dối. Cần xây dựng quy định có thưởng thì cũng có phạt. Đối với những trường hợp thiếu trung thực, gian dối thì phạt thật nặng để răn đe.

Về bản chất cuộc thi rất tốt. Những thứ “lùm xùm” là do khâu tổ chức. Vậy thì phải rút kinh nghiệm, làm sao để giữ được và tạo ra một sân chơi lành mạnh cho các em. Chứ không nên “vơ đũa cả nắm”, vì một vài trường hợp mà muốn hủy bỏ cuộc thi.

Bà Mai cho biết, thực tế ở Trà Vinh, từng có học sinh lớp 11 rất đam mê nghiên cứu khoa học, tự em mày mò nghiên cứu và đã đoạt giải Nhì cuộc thi. Những trường hợp như vậy rất nên khuyến khích để các em có sự phát triển.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh.

Đồng quan điểm với đại biểu Quốc hội Tăng Thị Ngọc Mai, đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) cũng cho rằng, cuộc thi KHKT là sân chơi tốt cho các học sinh, cần có sự ủng hộ. Thế hệ trẻ có được những suy nghĩ, ý tưởng khoa học là điều đáng khuyến khích. Tuy nhiên, về mặt tổ chức, cần phải rút kinh nghiệm, để cuộc thi thực sự là một sân chơi lành mạnh, bổ ích. Và phải có những quy định xử lý đối với những hành vi gian dối.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, cuộc thi KHKT không chỉ nhằm vào việc chọn ra dự án/học sinh được giải thưởng mà ý nghĩa của nó lớn hơn nhiều, đó là góp phần phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh.

Bởi nghiên cứu khoa học là một bậc cao hơn của giáo dục STEM mà Bộ GD&ĐT đang đặt ra trong lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Khi tham gia cuộc thi, các em không chỉ được thực hành, trải nghiệm, ứng dụng kiến thức vào giải quyết một đề tài chế tác một sản phẩm cụ thể mà phát triển nhiều thứ như tư duy khoa học, năng lực khai thác tài liệu, năng lực thuyết trình, phản biện, các kỹ năng làm việc nhóm.

Trong gần một thập niên qua, cuộc thi KHKT đã thu hút hàng ngàn học sinh tham gia, cả học sinh ở các vùng khó khăn. Cuộc thi đã khích lệ, tạo động lực cho giáo viên thay đổi để học sinh cũng thay đổi trong việc học đi đôi với hành.

Những điểm chưa phù hợp nếu có sẽ được xem xét, xử lý cụ thể nhưng không thể vì điều đó mà phủ nhận những giá trị có thật, có ý nghĩa trong tiến trình đổi mới giáo dục phổ thông.

Theo TT&CS
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top