Covid-19 có thể được xem là bệnh cúm đặc hữu, thông thường chưa?

Khác với sốt xuất huyết hay các bệnh lý thông thường, còn quá sớm để xem Covid-19 như cúm mùa và xử lý như một bệnh lý thông thường.

Theo BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM, Covid-19 là một dịch bệnh chưa từng có tiền lệ và cho đến nay, chúng ta vẫn chưa hiểu nhiều về căn bệnh này.

dieu-tri-bn-covid-19.jpg
Khác với sốt xuất huyết hay các bệnh lý thông thường, còn quá sớm để xem Covid-19 như cúm mùa và xử lý như một bệnh lý thông thường. Ảnh tư liệu

Người dân vẫn phải tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. Cùng với đó, văcxin phòng Covid-19 cần được bao phủ cho tất cả người dân để tạo miễn dịch cộng đồng tốt nhất; sẵn sàng tiêm văcxin cho trẻ 5-11 tuổi khi có hướng dẫn từ Bộ Y tế và mở rộng bảo vệ các đối tượng nguy cơ cao.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cách đếm số ca nhiễm, truy vết F0, F1, F2 không còn phù hợp nữa. Covid-19 có thể được xem là bệnh thông thường hay là cúm mùa, tập trung kéo giảm các ca nặng, ca tử vong, tiếp tục phủ văcxin ngừa Covid-19 ở những nơi còn tỷ lệ tiêm mũi 3 chưa cao.

Mặc dù quy luật của virus gây bệnh Covid-19 khá đặc biệt, nhiều biến thể mới vẫn xuất hiện nên vẫn còn khó đánh giá, nhưng các chuyên gia y tế đều hy vọng với tiến độ phủ văcxin như hiện nay của Việt Nam, SARS-CoV-2 có thể sẽ không hoàn toàn bị xóa sổ mà trở thành mầm bệnh đặc hữu như cúm mùa.

Theo BS Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), một trong những điều kiện cần thiết để xem Covid-19 như bệnh cúm thông thường là tỷ lệ bao phủ của văcxin ngừa Covid-19.

Trong thời gian tới, nơi nào tiêm ngừa đầy đủ, Covid-19 có thể xem như cúm mùa, còn ngược lại, chưa tiêm đủ liều văcxin ngừa Covid-19 không nên xem như cúm mùa.

vaccine.jpg
Các chuyên gia y tế đều hy vọng rằng với tiến độ phủ văcxin như hiện nay của Việt Nam, Covid-19 có thể sẽ không hoàn toàn bị xóa sổ mà trở thành mầm bệnh đặc hữu như cúm mùa, một loại bệnh đặc hữu thông thường. Ảnh minh họa

Từ kinh nghiệm bản thân, PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, sau khi siêu biến chủng Omicron xâm nhập vào Việt Nam, chúng ta đã đi qua đỉnh dịch. Bên cạnh đó, với tốc độ lây lan nhanh của chủng Omicron, chúng ta không có hy vọng zero Covid.

Như vậy, Covid-19 cần được coi là bệnh lý chuyên khoa và được xử lý, điều trị như các chuyên khoa khác. Vì vậy, chúng ta có thể bình tĩnh sống chung với Covid-19 và chủ động mở cửa như trước khi dịch bùng phát.

Khi đó, Covid-19 như các bệnh truyền nhiễm khác, có thể trở thành “bệnh truyền nhiễm nhóm B”.

Theo định nghĩa của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.

Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B bao gồm bệnh do virus Adeno; bệnh do virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); bệnh bạch hầu; bệnh cúm; bệnh dại; bệnh ho gà; bệnh lao phổi; bệnh do liên cầu lợn ở người; bệnh lỵ A-míp (Amibe); bệnh lỵ trực trùng; bệnh quai bị; bệnh sốt Dengue, sốt xuất huyết Dengue.

Ngoài ra còn gồm có các bệnh như sốt rét; bệnh sốt phát ban; bệnh sởi; bệnh tay – chân - miệng; bệnh than; bệnh thủy đậu; bệnh thương hàn; bệnh uốn ván; bệnh viêm gan virus; bệnh viêm màng não do não mô cầu; bệnh viêm não virus; bệnh xoắn khuẩn vàng da; bệnh tiêu chảy do virus Rota…

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top