Ảnh minh họa
Bé Nguyễn Văn Khang (10 tháng tuổi, Hà Nội) bị sốt cao được đi khám ở phòng khám tư nhưng uống thuốc hai ngày không đỡ. Khi Khang có biểu hiện nổi các nốt đỏ ở mặt và các vết loét ở khoang miệng, chảy nước mũi và ho nhiều, gia đình mới đưa bé tới viện thì mới hay bé bị bệnh sởi biến chứng viêm phổi do không tiêm văcxin phòng bệnh.
Lời bàn: Từ đầu năm 2018 đến nay, Khoa truyền nhiễm – Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận và điều trị hơn 70 trẻ mắc bệnh sởi, trong đó hơn 85% chưa được tiêm phòng bệnh này. Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp.
Bệnh có biểu hiện sốt, viêm long đường hô hấp, đường tiêu hóa và kết mạc mắt kèm nổi ban đặc trưng. Sau khi mắc sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm sút nên trẻ dễ mắc các biến chứng. Trẻ bị sởi nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy cấp, viêm não, viêm thanh quản, suy dinh dưỡng nặng…
Vì vậy, cha mẹ cần cho trẻ 9 tháng tuổi đi tiêm văcxin sởi mũi 1 thì hiệu quả bảo vệ đạt được 85%.Tiêm mũi 2 khi trẻ 18 tháng tuổi, hiệu quả bảo vệ tăng lên thành 95%. Tất cả những trẻ đã quá lịch tiêm chủng mà chưa bị mắc sởi thì nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm chủng đầy đủ.
TS Nguyễn Văn Lâm (Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi TƯ)