• Tiêm ngừa vắc xin – giải pháp phòng chống tốt nhất đối với bệnh sởi, quai bị, rubella
PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Các trường hợp mắc bệnh tản phát, không tập trung thành ổ dịch và chưa có ca bệnh tử vong. Bệnh vẫn trong tầm kiểm soát, các ca bệnh đều được phát hiện sớm và khoanh vùng xử lý kịp thời. Đa số các đối tượng mắc là trẻ em chưa đến tuổi tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ mũi vaccine phòng sởi theo quy định. Hầu hết các trường hợp mắc sởi đã khỏi, hiện chỉ còn 28 trường hợp đang điều trị tại các cơ sở y tế.
Ông Hạnh nhấn mạnh: “Theo nhận định của các chuyên gia dự báo dịch sởi có thể tiếp tục gia tăng tại Hà Nội vào cuối năm 2018 và đầu năm 2019 do dịch sởi Hà Nội nằm trong bối cảnh chung của tình hình thế giới, năm 2018 -2019 bắt đầu bước vào chu kỳ dịch sởi sau 4 năm.
Hà Nội tiêm phòng sởi theo tuần tại 584 xã, phường, thị trấn. Ảnh: I.T
Bên cạnh đó, dù tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ vaccine sởi tại Hà Nội luôn đạt so với tỷ lệ chung của quốc gia nhưng hàng năm vẫn còn khoảng 3-5% trẻ không được tiêm vaccine sởi. Chưa kể số lượng lớn trẻ em, học sinh, sinh viên, người lao động di cư về Hà Nội sinh sống, học tập và làm việc chưa được tiêm chủng đầy đủ tạo thành khối cảm thụ đủ lớn không có miễn dịch với bệnh sởi sẽ thuận lợi cho virus sởi lây lan và gây dịch”.
Để kiểm soát tình hình, Sở Y tế Hà Nội đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Trong đó, các đơn vị tổ chức tiêm chủng theo tuần tại 584 xã, phường, thị trấn để tăng cường khả năng tiếp cận với các loại vaccine phòng bệnh. Tăng cường các biện pháp cần thiết như rà soát và tiêm vét vaccine sởi cho trẻ từ đủ 9 tháng đến dưới 5 tuổi, kết quả tiêm sởi mũi 1 đạt 98,6%, tiêm sởi mũi 2 đạt 97,4% góp phần khống chế sự bùng phát và lây lan của bệnh sởi trong cộng đồng…
Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo các bậc phụ huynh, cần chủ động đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ theo quy định, vì tiêm chủng là biện pháp hiệu quả nhất trong công tác chống dịch bệnh sởi.
Theo Ngaynay.vn