Có nên xét nghiệm và bổ sung vitamin D đại trà?

Vitamin D là một vitamin tan trong dầu có vai trò vô cùng quan trọng đối với cơ thể.

Hỏi: Hiện nhiều người rủ nhau đi xét nghiệm vitamin D rồi bổ sung để phòng ngừa bệnh. Xin Khoa học và Đời sống tư vấn có nên xét nghiệm và bổ sung vitamin D cho cả nhà không?

Nguyễn Thị Tuyên (Hà Nội)

Trả lời: Vitamin D là một vitamin tan trong dầu có vai trò vô cùng quan trọng đối với cơ thể. Vitamin D gồm có nhiều loại, trong đó vitamin D2 và vitamin D3 là dạng quan trọng nhất. Trong máu, vitamin D2 và D3 gắn với protein vitamin D và vận chuyển đến gan, tại gan sẽ được hydroxyl hóa để tạo thành 25-hydroxyvitamin D (25-OH), đây dạng lưu hành chủ yếu của vitamin D, do đó đây là thông số tốt thể hiện tình trạng vitamin D của cơ thể.

Chức năng sinh học chính của vitamin D là duy trì nồng độ calci và phospho trong cơ thể, giúp làm tăng sự lắng đọng của calci ở xương, răng. Khi cơ thể được cung cấp đủ vitamin D sẽ giúp làm giảm nguy cơ gãy xương, loãng xương, thúc đẩy nhanh sự phục hồi khi gãy xương.

Ngoài ra, vitamin D còn có vai trò quan trọng trong quá trình phân chia tế bào, sự chuyển hóa và bài tiết các hormone như insulin, hormone tuyến cận giáp. Theo kết quả một số nghiên cứu, cung cấp đủ vitamin D có thể làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư như ung thư vú, ung thư đại tràng và ung thư tuyến tiền liệt...

Ước tính khoảng 25% người Mỹ có thiếu Vitamin D (hydroxyvitamin D (25[OH]D) dưới 20 ng/mL) có thể ảnh hưởng đến xương, tim mạch… Đa số những người này thường không có triệu chứng.

Tuy nhiên, dựa trên kết quả phân tích 27 nghiên cứu, nhóm Đặc nhiệm điều trị Dự phòng Hoa Kỳ (USPSTF) kết luận rằng “hiện không đủ bằng chứng để xác định liệu việc sàng lọc và điều trị nồng độ 25 (OH) D thấp không có triệu chứng có cải thiện kết quả lâm sàng ở người lớn sống trong cộng đồng hay không".

Trong khi đó, Hội Nội tiết Hoa Kỳ (ES) và Hội Nội tiết lâm sàng Hoa Kỳ (AACE) vẫn khuyến cáo sàng lọc thiếu vitamin D ở những người có nguy cơ như người béo phì, người già, người ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời... Tuy nhiên việc điều trị bổ sung vitamin D cho những người này dường như đem lại lợi ích không rõ ràng.

Cần lưu ý rằng một trong những khó khăn là xác định loại xét nghiệm vitamin D nào và ngưỡng vitamin D bao nhiêu là thực sự thấp.

Khuyến cáo mới của Hội Nội tiết Hoa kỳ, công bố tại Hội nghị Nội tiết (ENDO) ngày 3/6/ 2024 có một số điểm mới quan trọng:

- Chỉ nên bổ sung vitamin D cho 4 nhóm đối tượng sau:

• Trẻ em từ 1-18 tuổi để ngăn ngừa bệnh còi xương và giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp

• Phụ nữ mang thai để giảm nguy cơ biến chứng cho mẹ và thai nhi hoặc trẻ sơ sinh

• Người già > 75 tuổi để giảm nguy cơ tử vong

• Người bị tiền đái tháo đường để làm giảm nguy cơ mắc đái tháo đường typ 2

- Liều bổ sung cao hơn so với khuyến cáo năm 2011: 600 IU/ngày cho người từ 1-70 tuổi và 800 IU/ngày cho người > 70 tuổi.

- Nên uống hàng ngày hơn là cách nhật

- Không xét nghiệm sàng lọc vitamin D đại trà cho những người khỏe mạnh, kể cả những người béo phì.

TS.BS Nguyễn Quang Bảy

(Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai)

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top