Quy trình chấm thi chặt chẽ, điểm thi thường đã "có lợi" cho thí sinh
Thí sinh Nguyễn Tiến Long (Nam Từ Liêm, Hà Nội) từ khi nhận điểm chuẩn thi vào lớp 10 đến giờ rất buồn. Long đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường THPT Nguyễn Trãi (Ba Đình). Theo điểm chuẩn vừa công bố, trường lấy 45 điểm. Trong khi đó, Long chỉ được 44 điểm, thiếu mất 1 điểm. Long lựa chọn phúc khảo cả hai môn thi Toán và Ngữ văn, với hy vọng sẽ đủ điểm đỗ nguyện vọng 1.
Trên các diễn đàn, những chia sẻ về phúc khảo bài thi cũng nhận được sự quan tâm lớn từ các phụ huynh. Trong đó, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn, không biết có nhiều cơ hội thay đổi kết quả thi khi phúc khảo hay không? Liệu khi phúc khảo có bị xuống điểm hay không?
Thí sinh tham dự kỳ thi vào lớp 10 THPT 2021 của Hà Nội. |
Cô giáo Nguyễn Hương Giang (Hà Nội), giám khảo chấm thi vào lớp 10 THPT năm nay cho biết, mỗi năm, đều có những trường hợp thí sinh điểm “mấp mé” đỗ, thậm chí có những trường hợp chỉ thiếu 0,25 thậm chí 0,1 điểm.
Việc xin phúc khảo điểm thi thuộc quyền lợi thí sinh, nếu có nhu cầu, các em có thể nộp đơn xin phúc khảo và được nhà trường, nơi các em theo học cấp 2 sẽ được hướng dẫn cặn kẽ.
Khi định phúc khảo bài thi, các em cần xem xét trong các môn thi, có môn nào khi đối chiếu với đáp án, thấy mình đã làm tốt, có được điểm cao hơn kết quả thi nhận được thì phúc khảo. Thường, các em sẽ phúc khảo môn Văn, vì cho rằng, môn Văn còn tùy vào quan điểm từng người chấm, cho nên, điểm có thể chưa chính xác.
Tuy nhiên, thực tế, khi đã tham gia chấm thi vào lớp 10, giáo viên nào cũng xác định, hiểu rằng, mỗi điểm thi sẽ đều có thể ảnh hưởng rất lớn tới kết quả đỗ hay trượt của các em, cho nên rất thận trọng, cân nhắc và thường là “gạn đục khơi trong”, cố gắng cho đúng điểm, tránh việc thí sinh bị thiệt thòi.
Ngoài ra, quy trình chấm rất chặt chẽ. Theo đó, mỗi bài thi của thí sinh sẽ có 2 giám khảo chấm. Trong đó, có một giám khảo là giáo viên cấp THPT và một giám khảo là giáo viên cấp THCS. Hai giám khảo chấm hoàn toàn độc lập.
Nếu điểm thi vênh nhau dưới 1 điểm, thì hai giám khảo tự thống nhất điểm. Còn vênh, lệch từ 1 - 1,5 điểm, hai giám khảo phải xem lại bài thi và viết vào biên bản, tại sao lại vênh như thế? Đã chấm sót ý câu nào? Chấm câu nào chưa đúng điểm… Sau đó, thống nhất cho điểm.
Nếu vênh từ 1,5 điểm trở lên, sẽ do tổ trưởng chấm. Điểm của tổ trưởng chấm cộng với điểm hai giám khảo đã chấm chia 3. Nếu tiếp tục vênh và không thống nhất được thì cả hội đồng chấm.
Trong hướng dẫn chấm thi, đã có những tình huống mẫu để giáo viên căn cứ vào đó cho điểm. Nhưng thực tế, vẫn có nhiều tình huống phát sinh, ngoài những tình huống đã được hướng dẫn. Có ý kiến cho rằng, điểm Văn “du di” là bởi có người “chấm chặt”, có người “chấm thoáng”, điều đó là có, vì có những tình huống, điểm cho thế nào còn tùy vào quan điểm của các giáo viên. Tuy nhiên, với quy trình chấm chặt chẽ như vậy, khả năng chấm để thiệt thòi cho các em là rất ít xảy ra. Hiếm hoi nếu có, chỉ ở khâu cộng điểm.
ThS Đặng Thị Liễu, cô giáo Trường THPT Nguyễn Gia Thiều cho biết, thường khi chấm thi, các giáo viên cũng cố gắng nới “biên độ” rộng nhất, để có lợi nhất cho thí sinh. Ngoài ra, quy trình chấm rất chặt chẽ, khách quan, cho nên, sẽ rất hiếm trường hợp thí sinh bị thiệt thòi điểm thi. Việc các em mong muốn phúc khảo điểm thi là nhu cầu chính đáng, tuy nhiên, cũng cần chuẩn bị tâm lý có thể điểm sẽ không thay đổi, để có thể chủ động các phương án dự phòng tốt nhất cho mình, tránh hụt hẫng.
Từ 0,25 điểm phúc khảo trở lên sẽ được điều chỉnh điểm
Theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT Hà Nội, mọi thí sinh đều có quyền xin phúc khảo bài thi theo quy định. Thời gian nộp đơn phúc khảo từ ngày 30/6 - 6/7.
Thí sinh nộp đơn xin phúc khảo bài thi theo mẫu tại trường THCS nơi học sinh học lớp 9 năm học 2020 - 2021. Thí sinh tự do phải nộp đơn xin phúc khảo tại Phòng GD&ĐT nơi thí sinh đăng ký dự thi.
Bài thi của thí sinh sẽ được làm phách mới (dán kín số phách cũ và đánh số phách mới).
Đối với bài thi tự luận, nếu kết quả chấm của hai cán bộ chấm phúc khảo giống nhau thì thì lấy kết quả đó làm điểm phúc khảo và giao bài thi cho hai cán bộ chấm phúc khảo ký xác nhận điểm chính thức.
Nếu kết quả chấm của hai cán bộ chấm phúc khảo có sự chênh lệch thì rút bài thi giao cho Trưởng ban Phúc khảo bài thi tổ chức chấm lần thứ ba trực tiếp trên bài làm của thí sinh bằng mực màu khác.
Nếu kết quả chấm của hai trong ba cán bộ chấm phúc khảo giống nhau thì lấy điểm giống nhau làm điểm chính thức. Nếu kết quả của cả ba cán bộ chấm phúc khảo lệch nhau thì Trưởng ban Phúc khảo bài thi tự luận lấy điểm trung bình cộng của 3 lần chấm làm tròn đến hai chữ số thập phân làm điểm chính thức rồi ký tên xác nhận.
Bài thi tự luận có điểm phúc khảo lệch so với điểm chấm đợt đầu (đã công bố) từ 0,25 điểm trở lên thì được điều chỉnh điểm.
Đối với những thí sinh có thay đổi điểm sau phúc khảo, Phòng GD&ĐT tiếp nhận giấy chứng nhận điểm sau phúc khảo từ Sở GD&ĐT và bàn giao cho thí sinh.
Mọi trường hợp khiếu nại về điểm bài thi đều phải có đơn xin phúc khảo. Thí sinh không có đơn phúc khảo hoặc nộp đơn không đúng quy định sẽ không được giải quyết.
Theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT Hà Nội, những học sinh trúng tuyển sau khi có kết quả phúc khảo sẽ nhập học bổ sung trực tiếp tại các trường trúng tuyển (dự kiến ngày 22/7/2021).