Tuyển bổ sung thí sinh thuộc quyền tự chủ của các trường đại học
Trao đổi bên hành lang Quốc hội về báo cáo giải trình của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trước Quốc hội về vấn đề gian lận thi cử, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) nói, một băn khoăn của nhiều đại biểu QH mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chưa giải đáp được trong phần trả lời của mình, đó là làm thế nào để trả lại quyền và cơ hội cho những thí sinh chịu thiệt thòi do sai phạm của kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Theo bà Mai Hoa, vấn đề này được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, và sự bức xúc của cử tri cũng như của các đại biểu là hoàn toàn có cơ sở, bởi sai phạm trong thi cử đã ảnh hưởng đến quyền lợi và cơ hội của những thí sinh học thực, thi thực.
Tuy nhiên, bà Mai Hoa cho rằng, điều đáng tiếc là để giải quyết được vấn đề trả lại công bằng cho các thí sinh bị mất cơ hội vì gian lận thi cử có thể rất khó.
Luật Giáo dục đại học giao quyền tự chủ tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng thì sự can thiệp của Bộ GD&ĐT là không dễ. Bộ trưởng GD&ĐT cũng khó trả lời được vấn đề này vì quyền quyết định thuộc các trường đại học.
Mặt khác, cơ chế tuyển sinh hiện nay cho phép thí sinh đăng ký vào nhiều trường đại học, cao đẳng. Khi không thực hiện được nguyện vọng 1, các em vẫn có thể thực hiện được nguyện vọng thứ 2, 3.
Và thực tế nhiều thí sinh bị lấy mất cơ hội vì những em gian lận điểm thi, đã nhập học các trường đại học khác ở nguyện vọng tiếp theo. Việc trả lại công bằng cho thí sinh sẽ liên quan đến hoạt động giáo dục của rất nhiều trường đại học. Việc thay đổi vị trí của một sinh viên sẽ kéo theo sự thay đổi cơ hội của rất nhiều em khác.
“Đành rằng, đây là vấn đề khó, nhưng lại là đòi hỏi bức thiết từ xã hội, từ cử tri và các đại biểu QH với mong muốn hướng tới một nền giáo dục bảo đảm công bằng, trung thực.
Vì vậy, bên cạnh việc rút kinh nghiệm để khắc phục và làm tốt hơn trong thời gian tới, tôi cũng mong Bộ trưởng và ngành Giáo dục có thể nghiên cứu thêm giải pháp để có thể giải quyết được phần nào vấn đề quyền lợi của người học thật, thi thật”, Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nói.
Hình ảnh được Bảo Ngọc (Hà Tĩnh) - thí sinh thi vào trường Sĩ quan chính trị bị thiếu đúng 0,25 điểm kỳ thi THPT Quốc gia treo trên tường trang cá nhân để tự nhủ mình phải tiếp tục cố gắng. |
Nên gọi bổ sung những thí sinh “trượt oan”
Trả lời câu hỏi của PV KH&ĐS bên hành lang Quốc hội về việc có nên gọi bổ sung những thí sinh “trượt oan” do gian lận thi cử hay không, đại biểu Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nói: Những sai phạm kỳ thi 2018 đã ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của các thí sinh thi đạt kết quả bằng chính năng lực của mình nhưng lại bị trượt.
Điều đó thể hiện ở chỗ, đã có những thí sinh bằng gian lận điểm thi đỗ, được vào trường, thì đương nhiên có những thí sinh bằng những năng lực thực tế của mình lại bị đẩy ra ngoài.
Theo ông Thắng, hiện tại qua xem xét, đánh giá lại kết quả thi của các cơ quan chức năng thì danh sách của các thí sinh vi phạm và đặc biệt những thí sinh mà không đạt kết quả đã rõ. Vậy để đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh có có kết quả điểm thi thực thì nên gọi bổ sung.
Dĩ nhiên, ta phải có giải pháp kỹ thuật. Không thể gọi các em vào đúng khóa đang học của kết quả tuyển sinh năm 2018 được vì một năm học đã trôi qua rồi. Nhưng các trường hoàn toàn có thể gọi bổ sung các em vào học ở khóa mới theo đúng theo ngành học mà mình đăng ký nếu các em vẫn tiếp tục có nguyện vọng.
Đối với ý kiến cho rằng, Luật Giáo dục đại học giao quyền tự chủ tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng thì sự can thiệp của Bộ GD&ĐT là không dễ, đại biểu Phạm Tất Thắng cho rằng, mặc dù việc tuyển sinh là quyền chủ động của các trường. Tuy nhiên Bộ Giáo dục Đào tạo nên có định hướng để các trường có thể bằng quyền chủ động của mình có thể có những lựa chọn hình thức phù hợp.
Trước đó, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT khi trao đổi với báo chí về vấn đề có nên gọi bổ sung thí sinh “trượt oan” có nói rằng, con số 82 thí sinh bị huỷ kết quả học tập tại trường đại học, cao đẳng vì liên quan gian lận điểm thi quá nhỏ so với những thí sinh trúng tuyển mà không nhập học.
Bởi hằng năm, vẫn có khoảng 22.000 thí sinh trúng tuyển do đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng không nhập học vào các trường, cũng là chiếm chỗ thí sinh khác.
Trả lời quan điểm về ý kiến của bà Phụng, đại biểu Phạm Tất Thắng cho rằng, việc thí sinh bị mất chỗ do gian lận thi cử và mất chỗ do các em thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học là hai việc khác nhau.
Bởi thí sinh đỗ có quyền không nhập học vì không có nhu cầu. Thế nhưng ở đây là những thí sinh có nhu cầu, đáng lẽ các em được nhập học, vì hệ quả của gian lận thi cử mà đã bị “trượt oan” thì đã bị ảnh hưởng quyền lợi.
“Tôi đồng ý đúng là con số nhỏ so với số thí sinh gọi nhập học mà không học. Tuy nhiên, phải thấy rằng, đây là hệ quả của khâu tổ chức, là lỗi do quá trình tổ chức chứ không phải lỗi của thí sinh. Vậy thì phải khôi phục để đảm bảo quyền lợi chính đáng của các em.
Còn việc nếu các trường gọi bổ sung mà các em không nhập học hoặc lựa chọn một phương thức khác cho mùa tuyển sinh này thì đó là quyền của các em”, đại biểu Tất Thắng nói.
Theo đại biểu Tất Thắng, việc gọi bổ sung, với số lượng các em “trượt oan” như vậy thì cũng không gây ảnh hưởng, không làm thay đổi nhiều trong các cơ cấu cũng như số lượng tuyển sinh của các trường đã có thí sinh vi phạm do gian lận điểm thi nhập học trong năm 2018. Mà kể cả nếu có ảnh hưởng đi chăng nữa thì ở góc độ quản lý, Bộ nếu có chủ trương vẫn hoàn toàn có thể có chỉ tiêu tuyển sinh bổ sung cho số lượng thí sinh chịu hệ quả của việc gian lận thi cử đó.