Giao quyền chủ động tổ chức kỳ thi cho địa phương
Tại Hội nghị tổng kết và triển khai nhiệm vụ năm học mới với giáo dục đại học, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, kỳ thi tốt nghiệp sẽ phải đổi mới để năng động hơn. Việc đổi mới này sẽ theo hướng tăng cường phân cấp nhiều hơn cho các địa phương chủ động trong tổ chức kỳ thi này.
Theo đó, năm 2022 sẽ là năm có tính giao thời để chuẩn bị thực hiện đổi mới toàn diện hơn vào các năm sau. Kịch bản đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học sẽ được lấy ý kiến và hoàn thiện hơn trong thời gian tới.
Tuy nhiên, có những việc có thể làm ngay từ bây giờ, đó là hai đại học quốc gia và các đại học vùng có thể bắt tay xây dựng hệ thống trung tâm khảo thí. Các đại học vùng sẽ đóng vai trò là hạt nhân cho việc kiểm tra, đánh giá, tuyển sinh trong thời gian sắp tới.
Đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng, một số đại biểu cũng cho rằng, cần phải thành lập các trung tâm khảo thí độc lập. Kỳ thi tốt nghiệp có thể giao cho các địa phương xét công nhận.
Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì (TP Thủ Đức, TPHCM) cho rằng, việc tổ chức 1 kỳ thi chung mà tỷ lệ đậu quá cao gây quá nhiều lãng phí về nhân lực và tài lực. Cho nên, việc giao tự chủ hoàn toàn về việc xét công nhận tốt nghiệp THPT cho các địa phương là hợp lý.
Theo đó, các địa phương tùy vào khung thời gian thực hiện chương trình, thời tiết… sẽ tự quyết định thời gian xét tốt nghiệp khi học sinh hoàn thành chương trình. Học sinh sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT sau khi hoàn thành, đạt các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng.
Đối với những thí sinh có nhu cầu đăng ký xét tuyển đại học, có thể tham gia các kỳ thi của các trung tâm khảo thí độc lập do Bộ GD&ĐT thành lập. Và các trường đại học lấy đó làm cơ sở xét tuyển đại học.
Ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức) cũng cho rằng, theo Luật Giáo dục, vẫn sẽ có 1 kỳ thi THPT đối với học sinh cuối cấp. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cần xem xét giao công tác này cho các tỉnh thành thực hiện cả về thời gian tổ chức thi và đề thi.
Tiến tới, cần thành lập trung tâm khảo thí độc lập. Các trường đại học có thể tuyển sinh dựa trên kết quả thi do mình tự tổ chức hoặc lấy kết quả từ trung tâm khảo thí độc lập.
Việc có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT hay không cũng là đề tài tranh luận sôi nổi trong thời gian qua, khi mà tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cả nước các năm gần đây đều ở mức cao, có năm trên 98%. Đặc biệt trong bối cảnh Covid-19, đã có địa phương như TPHCM đã không tổ chức thi tốt nghiệp THPT đợt 2.
Nhiều ý kiến cho rằng, nên bỏ luôn kỳ thi, thay vào đó là xét công nhận tốt nghiệp. Những thí sinh nào có nhu cầu xét tuyển đại học thì có thể tham gia các kỳ thi của các trung tâm khảo thí độc lập hoặc kỳ thi riêng của các trường.
Cần xây dựng trung tâm khảo thí độc lập, chất lượng
Trao đổi với phóng viên, TS Lê Viết Khuyến, Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho rằng, một kỳ thi tốt nghiệp mà đỗ tới gần 99% thì đó là biến tướng của căn bệnh thành tích. Nhiều người vin vào cớ này cho rằng cần phải hủy bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuy nhiên, cần phải đặt câu hỏi, vì sao lại có kết quả như vậy? Để cải cách được kỳ thi thực chất, thì lãnh đạo ngành phải không ngại tỷ lệ trượt. Cũng không nên cho rằng, vì là kỳ thi tốt nghiệp, cho nên tỷ lệ đỗ cao để các em có một tấm bằng cấp 3, tựa như giấy “thông hành” đi vào đời. Thay vào đó, nên làm tốt công tác phân luồng từ cấp dưới. Chứ không phải, cứ học rồi cùng có bằng tốt nghiệp.
Theo ông Khuyến, trong tương lai, nếu có những trung tâm khảo thí độc lập thì hoàn toàn có thể thay cho chức năng của kỳ thi tốt nghiệp trong việc xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Và có thể xem đây như một dịch vụ công ích, một năm tổ chức nhiều kỳ thi. Bất cứ lúc nào học sinh kết thúc chương trình học hoặc cảm thấy kiến thức chắc chắn thì có thể thi. Tuy nhiên, những trung tâm khảo thí này phải được cấp phép, chịu sự giám sát của quản lý nhà nước, ví dụ, Bộ GD&ĐT. Trong trường hợp không đảm bảo chất lượng thì sẽ bị rút giấy phép.
Hiện nay, một số trường đại học cũng có xu hướng tự tổ chức các kỳ thi riêng. Tuy nhiên, chỉ những trường ở tốp trên, hoặc có nhu cầu tuyển sinh đặc biệt thì mới phải tổ chức kỳ thi riêng. Và thực tế, nhiều trường ngại, không muốn tổ chức kỳ thi riêng.
Lý do là vì, để tổ chức một kỳ thi riêng rất tốn kém. Để tổ chức một kỳ thi riêng toàn bộ các khâu không hề đơn giản. Nhiều trường cũng chỉ có thể tổ chức kỳ thi riêng như một tiêu chí phụ, ví dụ, thi năng khiếu… chứ không thể tổ chức thi các môn văn hóa được. Ngoài ra, những trường đại học như Đại học Quốc gia, Đại học Sư phạm mới có đủ năng lực tổ chức những kỳ thi riêng. Còn những trường chuyên ngành, không có đủ giáo viên văn hóa để tổ chức kỳ thi riêng. Trong khi đó, học sinh phổ thông chưa học các môn chuyên ngành, chỉ thi các môn văn hóa.
“Cho nên, điều cần thiết vẫn phải là có được những trung tâm khảo thí chất lượng và không phải “nở rộ”, mà chỉ 1 – 2 trung tâm trong cả nước. Và các trường đều có thể dùng kết quả của kỳ thi từ các trung tâm khảo thí để xét tuyển, đặc biệt là các trường tốp dưới”, ông Khuyến nói.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT đợt 1 năm 2021 là 981.773, trong đó, tỷ lệ tốt nghiệp là 96,88%. Năm 2020, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của học sinh lớp 12 cả nước đạt 98,34%. Năm 2019, tỷ lệ tốt nghiệp trên cả nước đạt 94,06%, giảm 3,51% so với năm 2018 (97,57%).