Có hồi sinh được hàng sưa đỏ trên đường Nguyễn Văn Huyên?

(khoahocdoisong.vn) - Hàng sưa đỏ trên đường Nguyễn Văn Huyên – Hoàng Quốc Việt (Hà Nội) đang được truyền thuốc để hồi phục do nhiều cây có dấu hiệu trơ cành, rụng lá, nguy cơ cây chết rất gần.

Truyền dịch cho cây

Khi xây dựng cầu vượt vượt bắc qua ngã tư Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt, 34 cây sưa đỏ quý hiếm đã được di dời sang phần vỉa hè sát đường Nguyễn Văn Huyên (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều cây có biểu hiện rụng hết lá, khô gốc.

Khi phát hiện cây có biểu hiện khô héo, nhà thầu này đã nhanh chóng hỗ trợ dinh dưỡng bằng cách truyền dung dịch vào thân cây để giúp cây sinh trưởng. Sau khi phát hiện một số cây sưa đỏ bị héo khô trên tuyến đường Nguyễn Văn Huyên dù đã được bọc lồng sắt bảo vệ, các đơn vị chức năng đã phải truyền dịch để đảm bảo sinh tồn, phát triển đối với những cây còn lại. Việc truyền dịch diễn ra đã một thời gian nhưng hàng sưa đỏ chưa có dấu hiệu hồi phục. Sưa là loài cây quý hiếm, có giá trị cần bảo tồn. Đây là loại cây có nguồn gene đặc biệt và giá trị kinh tế cao đã được ghi tên vào sách đỏ Việt Nam phần thực vật, theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ.

TS Nguyễn Quốc Khánh, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, dịch truyền thực chất là hỗn hợp dinh dưỡng cần thiết cho cây ở dạng lỏng, thường xuyên được dùng đối với cây yếu, rễ bị tổn thương, không có khả năng hút chất dinh dưỡng từ đất. Hỗn hợp dinh dưỡng khi truyền vào đúng mạch của cây sẽ giúp cây hồi phục dần dần. Để truyền dịch cho cây được hiệu quả thì công tác xác định được "mạch" của cây để khoan đặt ống truyền là quan trọng nhất. Thực tế, nhiều cây yếu sau khi bị bứng, cắt rễ, di chuyển… có thể hồi sinh nhờ dịch truyền dinh dưỡng này. Việc truyền dịch cho cây đạt được hiệu quả cao nhất ngay sau thời điểm cây bị "sốc" do tác động của ngoại cảnh hay sâu bệnh. Nếu chờ đến khi cây bị rụng lá, thối rễ, còn trơ lại mỗi cành không thì việc truyền dịch gần như vô hiệu.

Khó cứu!

Ông Khánh cho hay, những cây sưa trên đường Nguyễn Văn Huyên được bứng chuyển khi thực hiện xây dựng cầu vượt nút giao đường Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên vào tháng 5/2020. Thời điểm đó, khu vực phía Bắc nói chung và TP Hà Nói riêng thường xuyên nắng nóng mùa hè. Cây sưa đỏ bị bứng đi nên rễ cây ảnh hưởng, không hút được chất dinh dưỡng. Đúng ra thời điểm đó nên đưa số cây sưa đỏ này về một vườn cây râm mát nào đó chăm sóc cho ổn định, cây mọc mầm lá bình thường trước khi đem về trồng lại trên đường Nguyễn Văn Huyên thì sẽ tránh được rủi ro. Để đến bây giờ chăm sóc, truyền dịch cứu chữa là rất khó.

PGS.TS Trần Hợp, nguyên giảng viên Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, gỗ sưa đỏ (một số nơi gọi là gỗ huê, gỗ huỳnh, gỗ trắc) là gỗ thuộc nhóm IA trong sách đỏ Việt Nam, cấm khai thác mục đích thương mại từ năm 1994. Hiện nay, cây mọc hoang trên rừng rất ít, gần như đã bị khai thác hết. Gỗ sưa đỏ thuộc hàng gỗ quý vì nó có vân rất đẹp, không nứt, không biến dạng, không bị mối mọt. Ngoài ra, phần lõi gỗ sưa còn có chứa tinh dầu, mùi thơm rất lâu. Thời kỳ phong kiến, gỗ sưa người ta dùng để đóng đồ nội thất cao cấp trong cung đình. Ngày nay, gỗ sưa được sử dụng làm đồ mỹ nghệ hoặc tượng trong các ngôi đền, chùa…

Trồng cây sưa đỏ không khó, chỉ cần đào hố trồng cây được ươm trong bầu đất, làm cỏ khi cây còn nhỏ, khi khép tán thì tỉa cành để cây tập trung phát triển thân chính và lõi. Sưa đỏ không tốn phân bón, nhưng nguy hại nhất là sâu đục thân, phải thường xuyên kiểm tra để phát hiện kịp thời và phun thuốc vào lỗ cây, tiêu diệt sâu. Việc hồi sinh cho những cây đang yếu cũng không quá khó, nhưng với những cây đã khô vỏ, cành lá rụng hết… thì không có loại thuốc nào có thể hồi sinh được.

Theo Đời sống
back to top