Ngày 23 tháng Chạp, theo tín ngưỡng dân gian là ngày ông Táo lên chầu trời, tấu trình mọi sự của gia chủ trong một năm với Ngọc Hoàng.
Mâm cơm cúng ông Công, ông Táo thường sẽ gồm xôi, cơm canh, rượu nước, vàng mã, cau trầu, thịt gà, thịt lợn và hoa quả... tùy theo điều kiện gia chủ.
Tuy nhiên, nhất định trong mâm cúng là phải có 3 bộ mũ áo, hài, một hoặc 3 con cá chép (cá sống hoặc bằng giấy mã) để làm ngựa cho các Táo lên thiên đình.
Sau lễ cúng, gia chủ sẽ mang cá chép đi thả. Theo ghi nhận của Khoa học và Đời sống, tại điểm hồ ở xóm Đình (Nam Từ Liêm, Hà Nội), người dân xuống tận mép nước, thả cá nhẹ nhàng, chỉ thả cá, không thả túi nilon.
Nhiều người mang theo trẻ nhỏ, vừa thả cá, vừa giảng giải cho trẻ về ý nghĩa của phong tục cũng như dặn dò trẻ cố gắng học hành, chăm ngoan để ông Táo còn bẩm tấu với Thiên đình.
Một số người dân khi thả cá xong còn nán lại, xem cá có bơi đi được ra hồ không, rồi mới quay về. Đặc biệt, một người dân sau khi thả cá còn vẫy tay "chào" tạm biệt. Hành động này khiến những người xung quanh cười vui thích thú.
Nhiều người cho biết, đọc trên báo chí biết việc thả cá vứt luôn cả túi nilon xuống hồ, ném cá từ trên cao xuống... là những hành động không đẹp, làm ảnh hưởng tới môi trường, và mất đi ý nghĩa của phong tục ngày ông Công ông Táo. Cho nên, khi đi thả cá đã chỉ thả nhẹ nhàng, thả xong vứt túi nilon đúng nơi quy định hoặc mang về nhà.
Dưới đây là một số hình ảnh người dân Hà Nội thả cá trong ngày cúng ông Công ông Táo do PV ghi lại.