Chúng ta hoàn toàn có cơ hội

Theo NGND Nguyễn Xuân Chánh- nguyên Viện trưởng Viện Vật lý kỹ thuật (ĐH Bách khoa Hà Nội):

NGND Nguyễn Xuân Chánh

Mọi ngành nghề đều gắn với in 3D

Tôi vừa được đọc cuốn Công nghệ in 3D đột phá vào mọi ngành nghề của ông. Rất thú vị. Hình như đây là cuốn sách đầu tiên viết về đề tài này?

Sau khi về hưu, tôi đã viết một số sách báo phổ biến kiến thức. Nhờ thế tôi có điều kiện theo dõi những tiến bộ mới trên thế giới. Và nhận thấy vị trí của công nghệ in 3D lớn hơn mình tưởng rất nhiều. Thế nên tôi quyết định tập hợp lại để viết thành cuốn sách, có thể kịp thời phục vụ cho độc giả, những người theo dõi KHKT hiện nay. Thực sự là càng tìm hiểu càng thấy có nhiều tiến bộ mà trước đây ta không hình dung được.

Nói đến công nghệ in 3D tôi biết là nó rất kỳ diệu, ví dụ như người ta có thể in ra ngay một cái cốc như thế này, phải không ạ?

Trong nước mình hiểu về in 3D còn giới hạn, thường chỉ ở một vài lĩnh vực như làm đồ nhựa hay làm khuôn mẫu… Chứ trong thực tế, công nghệ này đã vượt ra giới hạn ấy rất nhiều rồi.

In 3D có thể làm ra các sản phẩm kim loại, hợp kim, gốm, sứ, vật liệu y sinh…. Mọi ngành nghề đều gắn với nó. Trong sản xuất ô tô, trong ngành hàng không, xây dựng… đã sử dụng công nghệ in 3D để sản xuất trực tiếp. Đặc biệt trong y tế đã sản xuất ra được các bộ phận thay thế như xương, răng, stent…

Đây có phải là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà chúng ta mới đề cập đến?

Thực ra thì cách mạng công nghiệp lần thứ ba đã bắt đầu từ những năm 70 khi sản xuất tự động hóa theo công nghệ số. Trong đó, công nghệ in 3D đã nổi lên rất mạnh.

Nhưng đến năm 2016, những nhà kinh tế lớn đã đề xuất nên chuyển sang cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên cơ sở lần thứ ba, công nghệ số và tự động hóa đã phát triển lên trình độ cao, kết nối tất cả, tích hợp trí thông minh. Trong đó vai trò của công nghệ in 3D được đẩy mạnh lên mức cao hơn nữa.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần 1 và 2 tự diễn biến sau hàng trăm năm mới tổng kết lại. Nhưng với cuộc cách mạng công nghiệp lần 3 và nhất là lần 4, những nhà hoạch định chính sách phải chủ động thúc đẩy cho chúng diễn ra phù hợp với những tiến bộ khoa học phát triển nhanh theo cấp số nhân hiện nay.

Nhiều cơ hội cho sáng tạo

Chúng ta đang ở đâu trong các cuộc cách mạng công nghiệp này, thưa ông?

Chúng ta đang ở cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai nhưng cũng không được cái lợi nhất của nó vì mình không có nhà sản xuất nào lớn cả. Đúng ra là chúng ta được hưởng thành quả của cách mạng công nghiệp lần thứ thứ hai, ở chỗ các nước lớn đem những nhà máy, những dây chuyền lắp ráp sang nước ta vì chúng ta có nhân công rẻ.

Ta cứ nghĩ là hiện đại rồi nhập về, rồi tự hào vì nhiều lao động có việc làm kiếm được tiền. Nhưng tình hình thực sự là các nước khác đã làm xong rồi, họ bán công nghệ ấy lại cho những nước khác để lo những công nghệ cao hơn.

Mình thì phát triển rất ồ ạt nhưng hầu như không nắm được công nghệ để sau tự mình phát triển mà là chỉ đâu làm đấy thôi. Và ta cũng phải gánh chịu những cái xấu như ô nhiễm môi trường…

Trung Quốc cũng giống ta, cũng nhập công nghệ, cũng có ưu thế về nhân công giá rẻ?

Trung Quốc cũng nhập công nghệ cao. Nhưng khu Thẩm Quyến của họ không phải là nơi đổ các công nghệ cao của thế giới vào mà người Trung Quốc từ đấy nắm được công nghệ để tiến lên hơn nữa. Hiện nay Thẩm Quyến cực kỳ mạnh về điện tử và cả Trung Quốc mạnh lên thoát khỏi cảnh công xưởng lắp ráp.

Trên thế giới từ lâu đã phân biệt ra những người trình độ lao động thấp thì lương thấp và trình độ cao lương cao. Chúng ta cứ mãi ở chỗ là trình độ thấp lao động rẻ. Đó hoàn toàn không phải là lợi thế như chúng ta đã có thời từng lầm tưởng.

Nhưng trong cuốn sách này ông lại rất lạc quan về cơ hội của chúng ta trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư?

Đúng là nếu đi theo cách sản xuất lớn kiểu cách mạng công nghiệp lần 2 như thế này thì chúng ta đã hết cơ hội rồi. Sản xuất theo công nghệ truyền thống, những nước đi đầu lâu nay đã vươn lên đỉnh cao rồi, mình cực kỳ khó cạnh tranh với họ.

Ngay như sản xuất ô tô đấy, ta không thể nào thắng nổi. Bao nhiêu năm đưa vào như thế mà không thể nâng nổi tỷ lệ nội địa hóa, đến làm cái ốc vít còn khó. Nhưng nếu sản xuất theo những cách không phải truyền thống nữa, và một trong những cách đó là công nghệ in 3D thì chúng ta hoàn toàn có cơ hội.

Cụ thể cơ hội đấy là gì, thưa ông?

Tất nhiên như thế là mình có nhảy cóc, nhưng chắc chắn là theo được. Bởi vì công nghệ in 3D đòi hỏi ít vốn hơn rất nhiều so với đầu tư cho một dây chuyền lớn, nhưng điều cơ bản nhất là phải có ý tưởng sáng tạo.

Nói thế này để ta dễ hình dung, như trường hợp Nguyễn Hà Đông, thiết kế trò chơi điện tử thì không cần phải có cơ sở vật chất to lớn mới làm được mà chỉ cần có ý tưởng. In 3D cũng thế. Rất nhiều cơ hội cho những người sáng tạo.

Tôi hình dung nó cũng giống cái máy in, mình mua máy rồi phải mua vật liệu để in?

Về cơ bản là thế. Nhưng để sử dụng những cái máy này phải có chương trình, họ bán theo máy có giới hạn, không chủ động. Nhưng trình độ trong nước ta, nếu chú ý tập trung cũng đủ sức làm được.

Còn về vật liệu, có thể bước đầu phải mua, nhưng mình có thể làm lấy. Thí dụ, có nhóm học sinh phổ thông đã từ chai nhựa phế thải chế ra sợi nguyên liệu in 3D làm đồ dùng học tập… Hay trong y tế để in 3D xương đĩa đệm cần có bột titan. Thường thì từ quặng titan muốn rút ra titan  nguyên chất phải qua 4 công đoạn rồi từ titan khối làm ra bột titan dùng cho công nghệ in 3D là rất đắt. Nhưng từ quặng oxyt titan làm ra bột titan dùng trong công nghệ 3D thì chỉ cần 2 công đoạn thôi. Chúng ta có quặng oxyt titan rồi, nếu tìm ra cách làm ra bột thì rất có ý nghĩa.

Không chủ động thì mãi chỉ là người tiêu dùng

Công nghệ in 3D ứng dụng lớn như vậy và nhiều cơ hội như vậy, chúng ta đã có chiến lược gì để phát triển nó?

Mục đích tôi viết cuốn sách này là muốn để mọi người hiểu rõ vị trí của công nghệ in 3D sẽ ảnh hưởng đến kinh tế xã hội như thế nào và từ đó có hướng để phát triển nó. Các nước đều đã có chiến lược phát triển công nghệ in 3D: Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc… Còn ta chưa có gì.

Ngay cả đào tạo nguồn nhân lực?

Cũng chưa. Ở Hàn Quốc đã có đào tạo ngay từ trung học. Sắp tới đây tôi cũng định đề xuất lấy ngay một trường đại học đa ngành như Trường đại học Bách khoa làm một trung tâm làm đầu tàu phát triển công nghệ in 3D vì ở đây có nhiều ngành liên quan như tin học, vật lý, hóa polymer lại có truyền thống là trường đi đầu phục vụ phát triển công nghiệp….

Cách đây vài năm đã có những nhóm sinh viên làm ra máy in 3D,  được trao giải thưởng nhưng sau không phát triển lên được. Cần phải nhận thấy công nghệ in 3D là xu hướng tất yếu. Dù ta không có chủ trương thì nó vẫn vào.

Và như thế ta chỉ là những người tiêu dùng hưởng lợi từ công nghệ hiện đại của thế giới?

Nếu ta không sớm có chủ trương thì công nghệ mới nào cũng sẽ vào và ta luôn ở thế thụ động. Giống như điện thoại thông minh, chẳng có chính sách nhập để sử dụng, nhưng do sức hấp dẫn người nào cũng bỏ ra hàng triệu bạc để mua. Đấy là mình được hưởng công nghệ cao nhưng phải bỏ ra nhiều tiền mua.

Nếu có trình độ, khi đã có những phương tiện như thế mình sẽ có những chương trình sử dụng phục vụ kinh tế quốc dân như giao thông, dịch vụ mua bán, y tế, sức khỏe…. Không chủ động, không có chủ trương thì mãi chỉ là người tiêu dùng lãng phí.

Xin cảm ơn ông!

Nhật Minh thực hiện

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
back to top