Chuẩn bị gì khi đưa trẻ 12 - 17 tuổi đi tiêm văcxin ngừa Covid-19?

Khi trẻ đi tiêm văcxin ngừa Covid-19, cần lưu ý cho trẻ ăn sáng, mặc áo ngắn tay, trẻ không thuộc đối tượng trong thời gian cách ly hoặc có dấu hiệu nghi nhiễm Covid-19…

Theo ThS Trương Thị Thanh Lan, Phó Trưởng khoa Phòng chống Bệnh Truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM, trong  trường hợp trẻ đã được tiêm mũi 1, khi đi tiêm cần cầm giấy xác nhận tiêm chủng để được cán bộ y tế tư vấn mũi tiêm thứ hai phù hợp.

tiem-vaccine-cho-tre.jpg
Một số trẻ không ăn sáng khi đến tiêm ngừa Covid-19 sẽ bị hiện tượng tụt huyết áp nên chúng ta có thể chuẩn bị sẵn một ít nước đường. Ảnh minh họa

Ngoài ra, ThS Thanh Lan cho biết thêm, nếu trẻ không ăn sáng khi đến tiêm ngừa Covid-19 sẽ bị hiện tượng tụt huyết áp nên có thể chuẩn bị sẵn một ít nước đường.

Theo ThS.BS Hồ Vĩnh Thắng - Trung tâm Đào tạo, Viện Pasteur TPHCM, để đảm bảo tiêm văcxin phòng Covid-19 an toàn, căn bản, chúng ta cần khám sàng lọc để phân loại và đúng chỉ định tiêm theo các hướng dẫn của Bộ Y tế.

Các đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng bao gồm: Người trong độ tuổi tiêm chủng theo khuyến cáo trong hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và không quá mẫn với hoạt chất hoặc bất kỳ tá dược nào trong thành phần của văcxin.

Các đối tượng cần thận trọng khi tiêm chủng cần được khám sàng lọc kỹ lưỡng và thận trọng.

Bao gồm người có tiền sử dị ứng các các dị nguyên khác; người có bệnh nền, bệnh mạn tính; người mất tri giác, mất năng lực hành vi; người có tiền sử giảm tiểu cầu hoặc rối loạn đông máu; người phát hiện bất thường dấu hiệu sống (nhiệt độ, nhịp tim)…

Khám sàng lọc kỹ trước khi tiêm vì có thể xảy ra trường hợp trùng hợp ngẫu nhiên xảy ra sau khi tiêm như: đột quỵ não, đột quỵ tiêm mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…

Nhóm đối tượng trì hoãn tiêm chủng là những trẻ mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng, đang mắc bệnh cấp tính hoặc bệnh đang tiến triển.

Đối tượng chống chỉ định nếu có phản ứng phản vệ với văcxin Covid-19 cùng loại trước đó hoặc có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất.

Trong 8 loại vắcxin ngừa Covid-19 được cấp phép tại Việt Nam, Bộ Y tế vừa quyết định chọn Pfizer để tiêm cho trẻ em. Pfizer hiện nay mỗi tuần về đều đặn một lần.

Ngoài ra, một trong những điều cần quan tâm khi tiêm văcxin cho trẻ là phản ứng tâm lý dây chuyền. Điều này không phải do văcxin mà do tâm lý lo sợ. Phản ứng dây chuyền có thể lan ra hàng loạt, đặc biệt trong các chiến dịch tiêm chủng đông người.

Trẻ có thể lo sợ hoặc bị tiêm đau nên ngất xỉu. Triệu chứng khác như nhức đầu, chóng mặt, cảm giác tê quanh miệng và bàn tay. Trẻ nhỏ hơn có thể nôn, ngừng thở ngắn, la hét.

Vì vậy, trẻ khi có những biểu hiện đó nên để trẻ ở phòng riêng và trấn an. Bên cạnh đó, trẻ nào ít sợ và tình nguyện sẽ được tiêm trước. Cho trẻ uống ít nước đường hoặc trà đường cũng có tác dụng trấn an về tinh thần. Theo dõi trẻ sau tiêm 30 phút. Môi trường tiêm chủng cũng được tạo nên sự thân thiện, đỡ tâm lý áp lực.

Dặn dò trẻ đừng quá vui mà chạy nhảy có thể xảy ra các tai nạn thương tích không mong muốn. 

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top