Chữa gãy cổ xương đùi người già trên 90 tuổi

Người già bị gãy cổ xương đùi (GCXĐ) chớ nên sợ phẫu thuật, nằm thêm một ngày là bệnh thêm nặng. Với công nghệ kết xương và thay khớp háng bán phần bipolar, người già, thậm trí trên 90 – 100 tuổi bị GCXĐ vẫn có thể phục hồi sức khỏe và đi lại được.
/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/bn-tap-di-sau-1-ngay-mo.jpg

Cụ Nh. tập đi sau 1 ngày mổ.

Sợ mổ sẽ chết vì biến chứng

Bệnh nhân Vũ Đức Nh. (sinh năm 1927 ở Hà Nội) khi trèo ghế bị ngã đập hông trái xuống nền nhà, sau ngã cụ thấy đau chói tại khớp háng trái, không thể ngồi dậy hoặc đi lại được. Buổi chiều cùng ngày 6/12, cụ được nhập viện trong tình trạng gãy kín cổ chính danh xương đùi trái do ngã ngày thứ nhất.

Xét toàn thân thể trạng cụ tốt, trước khi ngã cụ vẫn tự đi lại được, tinh thần tỉnh táo, các xét nghiệm thường quy trong giới hạn cho phép… Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 đã quyết định mổ kết xương và thay khớp cho cụ ngay ngày hôm sau.

Sau 45 phút phẫu thuật và 60 phút theo dõi thể trạng tốt, cụ ra khỏi phòng hồi sức, tiếp tục điều trị và 24 giờ sau cụ đã có thể đứng dậy và đi lại trên khung tập đi. Suốt trong quá trình sau mổ cụ không thấy chóng mặt, buồn nôn, không thấy đau tại ổ mổ. Tại chỗ vết mổ khô, không nhức, không tấy đỏ.

ThS Phùng Văn Tuấn, Khoa Phẫu thuật Khớp, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho biết, tại Việt Nam, tuy chưa có thống kê đầy đủ, nhưng hằng năm ước tính có hàng chục ngàn bệnh nhân GCXĐ.

Bệnh gặp chủ yếu ở người già do loãng xương, chỉ cần một sang chấn nhẹ như trượt chân, ngã đập mông xuống là gãy. 100% GCXĐ loại này đều gãy di lệch ít hoặc nhiều.

Đối với BN lớn tuổi, loại gãy này thường dẫn đến nguy cơ tử vong rất cao (khoảng 30% trong năm đầu tiên) sau gãy do các biến chứng: loét hoại tử các vùng tì đè, viêm phổi, tắc mạch, nhiễm trùng đường tiểu…

TS Nguyễn Quốc Dũng, Phó Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Khớp, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cảnh báo, dân ta thường có quan niệm người già gãy xương sức yếu không mổ chỉ đắp lá hoặc chăm sóc mà không biết rằng đó chính là nguyên nhân đẩy BN đến nguy cơ tử vong nhanh chóng.

Bởi xương đùi gãy rất khó liền và do không liền xương hoặc tiêu chỏm xương đùi nên người bệnh khó có khả năng đi lại như trước khi gãy và kéo theo một loạt các hệ lụy do phải nằm tại chỗ, bất động như chăm sóc vệ sinh cá nhân khó khăn; khó xoay trở, thay đổi tư thế người bệnh trên giường; đau đớn kéo dài do các đầu xương gãy chạm vào nhau;

Đặc biệt, bệnh nhân do nằm lâu nên các cơ quan như đại tràng, bàng quang không hoạt động sinh lý, dẫn đến đại tiểu tiện khó khăn, ứ trệ nước tiểu, nhiễm khuẩn tiết niệu; loét ở những vùng tỳ đè như mông, gót chân, lưng…; ứ trệ đờm dãi, phản xạ ho kém do nằm lâu, đau đớn sẽ gây ra viêm phổi do bội nhiễm, viêm tắc tĩnh mạch sâu chi dưới… và người bệnh chết vì viêm đường hô hấp, tiết niệu, thiểu dưỡng do loét… trước khi chết do gãy xương.

Mổ sớm > 100 tuổi sau 24 giờ đi lại được

TS Nguyễn Quốc Dũng cho hay, để giải quyết và hạn chế những biến chứng này, phẫu thuật là một lựa chọn giúp người bệnh đỡ đau đớn. Mổ càng sớm càng tốt. Mổ kết xương cố định hoặc thay khớp bán phần với khoảng thời gian 30 – 45 phút. Sau mổ, 2 – 3 ngày bệnh nhân đã có thể tập đi và đi lại được dễ dàng.

Trường hợp bệnh nhân trước đó đã không đi lại được thì mổ vẫn giúp bệnh nhân ngồi được, do vậy giúp vỗ rung, long đờm, hạn chế nguy cơ viêm phổi; giúp xoay trở, chăm sóc người bệnh dễ dàng hơn, tránh loét ở những vùng tỳ đè, đại tiểu tiện dễ dàng hơn…

Theo ThS Phùng Văn Tuấn, gần đây bệnh viện đã phẫu thuật cho rất nhiều bệnh nhân trên 90 tuổi, thậm chí có cụ 103 với tỷ lệ thành công cao nhờ gia đình phát hiện sớm, đưa ngay bệnh nhân đến điều trị mà không tự ý áp dụng các biện pháp điều trị khác. Chỉ định phẫu thuật chính xác là phương pháp phẫu thuật thay khớp háng bán phần đã giúp bệnh nhân nhanh chóng phục hồi sức khỏe và ngày thứ 2 đã có thể tự đi lại.

TS Nguyễn Quốc Dũng cảnh báo, GCXĐ là bệnh thường gặp ở người già dễ gây tử vong, chi phí điều trị lớn. Vì vậy, để phòng tránh căn bệnh này thì ngay từ khi còn trẻ đã phải biết cách chăm sóc xương chắc khỏe: Chế độ ăn đủ dinh dưỡng, đảm bảo canxi, chăm vận động, tập luyện thể thao…

Thúy Nga

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top