Chủ quan không xịt thuốc

(khoahocdoisong.vn) - Hiện tượng nghẹt mũi, tắc mũi, tắc một bên hoặc cả hai bên làm cho người bệnh phải thở bằng miệng, không khí không qua mũi nên không được làm ấm, làm sạch.

Chị Hà Lê An (Hải Phòng) có sức khỏe tốt, ít khi ốm vặt. Tuy nhiên, gần đây chị hay bị viêm mũi, ngạt và chảy nước mũi. Chị đi khám, bác sĩ nói bị viêm mũi bội nhiễm, cho thuốc xịt và khuyên rửa mũi nhiều lần. Về nhà chị làm theo, mấy hôm thấy đỡ và không xịt thuốc nữa. Vài ngày sau mũi chị viêm lại, chảy nước mũi ròng ròng, đêm về nghẹt không ngủ được. Ngại đi khám, lười xịt thuốc, mỗi khi mũi chảy chị lấy giấy ra xì, kết quả là chị đau nhức tai, giọng khàn, đi khám bác sĩ nói chị vừa viêm mũi, viêm họng lại viêm tai.

Lời bàn: PGS.TS Nguyễn Ngọc Dinh, nguyên Viện trưởng Viện Tai mũi họng TƯ cho biết, mũi là cửa ngõ đầu tiên của đường hô hấp, vì vậy khi mũi bị viêm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống hô hấp ở phía sau. Hiện tượng nghẹt mũi, tắc mũi, tắc một bên hoặc cả hai bên làm cho người bệnh phải thở bằng miệng, không khí không qua mũi nên không được làm ấm, làm sạch. Do mũi chảy dịch xuống họng, người bệnh không biết cách xì mũi, đôi khi hít mủ mũi xuống họng nên viêm họng, cố xì khi nghẹt nên viêm tai (dịch chảy từ lỗ mũi sau xuống vòm họng luôn đọng lại ở lỗ vòi tai gây viêm tai). Bệnh nếu không được phát hiện và chữa trị tích cực có thể dẫn tới thủng màng nhĩ, điếc…

Theo Đời sống
back to top