Theo Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, sản xuất nông nghiệp tại thành phố hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng 20 – 30% nhu cầu thực phẩm của người dân. Do vậy cần thiết phải phối hợp chặt chẽ với các tỉnh thành trong việc cung ứng, tạo nguồn thực phẩm cho thành phố, không chỉ đảm bảo về số lượng mà cả chất lượng an toàn thực phẩm.
Trên cơ sở đó, trong tháng 6 và tháng 8/2017, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM đã ký kết với Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn tỉnh Long An, Lâm Đồng về phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các chuỗi cung ứng nông sản.
Thông qua ký kết, mục tiêu xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn giữa tỉnh Long An, Lâm Đồng và TPHCM được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu (trồng trot, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác) đến cơ sở sơ chế, giết mổ, chế biến, kinh doanh, truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ…
Trong việc triển khai kế hoạch xây dựng, kết nối chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, đến nay, Ban Quản lý đề án chuỗi đã cấp 279 giấy chứng nhận cho 138 trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh vào chuỗi thuộc địa bàn TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tiền Giang, Long An, Lâm Đồng, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bình Thuận, Đắc Nông với tổng sản lượng 119.300 tấn/năm.
Trong số đó, tỉnh Lâm Đồng có 15 cơ sở sản xuất, sơ chế rau quả được cấp giấy chứng nhận; Long An có 9 cơ sở. Mặc dù TPHCM là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn nhưng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM tự đánh giá, sản lượng sản phẩm tham gia chuỗi chưa đa dạng, chủ yếu là rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm, trứng, chưa có gạo, ngũ cốc khác…
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM nhận định: “Chống thực phẩm bẩn phải đi đôi với xây thực phẩm sạch để đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn cho người dân. Việc xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn mới chỉ đi được những bước đầu, còn rất nhiều thách thức và khó khăn”.
Bà Lan nhấn mạnh, cùng với việc áp dụng Nghị định 115 mới, trách nhiệm của các bên sẽ nhiều hơn, Ban Quản lý An toàn thực phẩm sẽ giảm tiền kiếm, tăng hậu kiểm, thẳng tay xử lý thực phẩm bẩn, công khai trên các phương tiện truyền thông, trước mắt sẽ tập trung đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn cho các bếp ăn tập thể, trường học, nhà hàng, khách sạn…