Mọi người thường bảo tôi may có nhà chồng ở gần (cách nơi vợ chồng tôi ở hơn 10km) thuận tiện nhiều bề, có công có việc đi lại đỡ vất vả. Nhưng giờ tôi chỉ ước ở thật xa nhà chồng.
Từ khi cưới nhau đến giờ, cuối tuần nào chúng tôi cũng phải về quê, lo liệu đủ việc giỗ chạp anh em họ mạc nhà chồng, hoặc chỉ là có mặt, cơm nước cùng bố mẹ chồng. Khi tôi có thai, yếu mệt không về được thì chồng tôi cũng vẫn về, bỏ mặc vợ vò võ một mình.
Nhưng điều đó chưa bức xúc bằng việc tiền nong anh ấy không đưa cho vợ, cũng không có tiết kiệm dự phòng mà dành lo cho gia đình nhà mình. Gần đến ngày sinh mà trong túi tôi chưa có đủ 5 triệu đồng. Khi tôi bức xúc, anh còn nổi khùng, bảo chồng coi bố mẹ mình là nhất, còn con cũng chẳng là gì. Tôi thấy rất buồn, nhiều đêm nằm khóc, chẳng biết rồi cuộc hôn nhân này sẽ đi đến đâu.
Nguyễn Lan Hương (Hà Nội)
Ảnh minh họa
Lan Hương thân, sau kết hôn, những trách nhiệm, nghĩa vụ về gia đình, họ mạc bỗng thành “của chung”, trong khi tâm lý, điều kiện sống lại chưa được chuẩn bị sẵn sàng cho việc này nên dễ dẫn tới tình trạng bì tị, khó chịu. Lúc này, rất cần sự thỏa hiệp, thấu hiểu, nếu không chắc chắn sẽ dẫn tới mâu thuẫn, xung đột.
Theo những gì bạn kể thì thấy.chồng bạn là người con hiếu thảo, coi trọng lễ nghĩa với gia đình, nhưng trong cách đối xử với vợ lại có sự thiếu công bằng. Tuy nhiên, với tính cách ấy, nếu bạn cằn nhằn, chê bai gia đình chồng – tức là “đánh” vào điều anh ấy coi trọng nhất thì chắc chắn sẽ nhận lại phản ứng tiêu cực.
Thay vào đó, bạn hãy tâm sự, chia sẻ cùng anh ấy những lo lắng, băn khoăn của mình, bàn bạc cách giải quyết, đặc biệt là sự phát triển của đứa con trong bụng để gắn kết tình cha con…Lời nói anh ấy văng ra trong lúc bực mình, thiếu kiểm soát, bạn đừng quá suy nghĩ. Tri Giao tin, là một người con tốt thì anh ấy khó có thể là người cha tồi.
Tri Giao