Trong một lần tham quan Đại học Chiết Giang bên Trung Quốc, chúng tôi kinh ngạc khi nhìn thấy ở khu đào tạo ngành may mặc có cả nhà máy dệt “mini”, sàn diễn thời trang, phòng thí nghiệm rộng lớn chẳng kém gì những nhà máy của các tập đoàn dệt may lớn. Tìm hiểu thì được biết đó là quà của các triệu phú ngành dệt may tặng cho trường cũ để tri ân.
Với các nhà máy dệt “mini”, phòng thí nghiệm, sàn diễn thời trang, sinh viên ngành dệt may đã có điều kiện làm ra sản phẩm từ giảng đường đại học, một số còn bán được công trình nghiên cứu cho doanh nghiệp. Quan trọng hơn, ra trường sinh viên có thể làm việc ngay.
Thêm nữa, khi các giáo sư đại học đến thăm doanh nghiệp, chứng kiến những nhà điều hành doanh nghiệp chào đón họ với niềm tôn kính, chúng tôi thật sự ngạc nhiên. Sau này thâm nhập sâu hơn mới hiểu, giáo dục đại học của họ gắn bó mật thiết với doanh nghiệp, giáo sư và nghiên cứu sinh vừa giúp nhà sản xuất giải quyết các vấn đề về sản phẩm mới, vừa cung ứng nhân lực tốt nên được chủ nhiều tập đoàn may mặc tôn trọng và gần gũi.
Tại Úc, chúng tôi được nghe một nghiên cứu sinh kể câu chuyện người Việt xin định cư. Trong lúc các nghiên cứu sinh cao học rất vất vả mới đủ điều kiện xin định cư ở Úc thì một số thanh niên học các nghề trong nước như thợ đóng tàu lại dễ dàng xin việc và được chấp nhận định cư.
Thế mới thấy, ở đâu cũng vậy, nếu chương trình đào tạo gắn với nhu cầu cấp thiết của xã hội thì không khó để có được công ăn việc làm và dễ dàng ổn định cuộc sống, thay vì chú trọng vấn đề bằng cấp, học trường điểm hay trường bình thường.
Những ngày này, hàng nghìn gia đình lại phập phồng với việc xét tuyển đại học. Tất cả đều kỳ vọng con mình sẽ vào được trường có tên tuổi, có những học sinh đạt số điểm rất cao nhưng cũng chỉ đủ vào ngành ngoại ngữ, một ngành đào tạo không có nghề cụ thể.
Rồi nhiều gia đình có con em đang học dở dang năm thứ nhất đại học bỗng nghỉ ngang tìm đường ra nước ngoài du học dù rất khó khăn, vất vả.
Lý do là các em nhận thấy quy trình đào tạo trong nước chưa phù hợp với nhu cầu công việc sau này. Thế hệ trẻ giờ đây có rất nhiều lựa chọn chứ không chỉ nghe theo phụ huynh vào những ngành đang “hot”. Trong cuộc đua ấy nổi lên những đại học tư với cách đào tạo gắn với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Tại Đà Nẵng, một đại học tư đã ký kết đưa được sinh viên đi học và làm tại Nhật, Singapore, Hàn Quốc. Tương tự, một đại học tư ở tỉnh Trà Vinh cũng đã thiết lập quan hệ quốc tế để đưa sinh viên đi thực tập ở nước ngoài vừa thực tiễn, vừa kiếm được kinh phí trang trải việc học.
Những lựa chọn như vậy rất hấp dẫn đối với các sinh viên chịu khó trau dồi ngoại ngữ và điểm thi chỉ đủ vào đại học tư.
Những đại học có liên kết với các đại học nước ngoài trong đào tạo cũng đều đưa ra chương trình vừa học, vừa làm rất nghiêm túc, trong đó phần lớn thời gian của sinh viên gắn liền với việc thực tập dài hạn tại doanh nghiệp.
Tuy nhiên, những đại học này với học phí quá cao, từ 350 triệu đến 600 triệu đồng cho 4 năm đại học, cũng rất kén sinh viên đủ khả năng tài chính theo học.
Dẫu sao, từ những sinh viên có số điểm đầu vào không cao, sức học trung bình đến những sinh viên giỏi, sinh viên có khả năng về tài chính đều có những mô hình đào tạo khác mời gọi.
Chỉ tiếc là những đại học công lập hiện đang đón hàng trăm nghìn sinh viên khá giỏi lại vẫn loay hoay trong quy trình đào tạo cũ, loay hoay với những hội thảo cải tiến giáo dục đại học mà không tìm được kênh kết nối trực tiếp với doanh nghiệp, với nhu cầu xã hội.
Phan Hòa Bình (Theo DNSG)