Chọn cách ngủ giúp khỏe mạnh, chống bệnh tật

(khoahocdoisong.vn) - Một phần ba cuộc đời chìm trong giấc ngủ. Bởi vậy, y học cổ truyền phương Đông rất chú trọng phép dưỡng sinh giấc ngủ để cơ thể khỏe mạnh, trường thọ.

Giấc ngủ có vai trò hết sức quan trọng đối với sức khỏe và cuộc sống của con người, nhưng ngủ như thế nào cho đúng cách, nói như y học cổ truyền phương Đông là hợp phép dưỡng sinh, là điều không phải ai ai cũng tường tận.

Tư thế ngủ phù hợp giúp thư giãn, lưu thông khí huyết

 Có thể nói, chừng một phần ba cuộc đời của chúng ta là chìm trong giác ngủ. Bởi vậy, các vấn đề liên quan đến giấc ngủ có một vai trò hết sức quan trọng đối với sức khoẻ của mỗi người, trong đó có việc chọn tư thế nằm ngủ như thế nào cho tốt nhất. Thông thường, người ta không thể giữ mãi một tư thế ngủ suốt đêm, kết quả thống kê cho thấy: mỗi đêm, người ta thường trở mình từ 20 - 45 lần.

Tuy nhiên, theo thói quen, mỗi người vẫn có một tư thế nằm ngủ chủ đạo, có người nằm thẳng đơ, có người thích nằm sấp úp mặt vào gối, có người nằm co như con tôm hoặc nằm giang tay duỗi chân hoặc khoanh tay lên ngực mà ngủ. Vậy, tư thế nằm ngủ nào là có lợi nhất cho sức khoẻ?

     Dân gian có câu : “Đứng như tùng, ngồi như chuông, nằm như cung”, nghĩa là dù bất cứ trong trạng thái nào người ta cũng phải giữ được cho mình một tư thế tốt nhất. Trong sách Luận ngữ, Khổng Tử đã khuyên là “tầm bất thi” (không nằm như xác chết). Sách Thiên kim yếu phương cũng viết : “Co gối nằm nghiêng, lợi cho khí lực”. Theo các nhà dưỡng sinh cổ truyền, tư thế nằm ngủ tốt nhất là nằm nghiêng về bên phải, thân thể co tự nhiên.

Bởi lẽ, với tư thế này cơ bắp toàn thân được thư giãn triệt để, các cơ quan tạng phủ luôn được giữ trong vị trí tự nhiên, khí huyết lưu thông được dễ dàng nhất, rất có lợi cho việc giải trừ mệt mỏi, phục hồi và nâng cao sức khoẻ.

Nằm ngủ sai hại cơ thể

    Nếu nằm ngủ ở tư thế ngửa hay sấp, thân mình và hai chân luôn ở vị trí duỗi thẳng, khi đó cơ bắp không được thư giãn đầy đủ. Vả lại, khi ngửa mặt lên, lúc ngủ say, cuống lưỡi sẽ hạ xuống, nước bọt dễ lọt vào khí quản gây ho sặc hoặc tạo ra tiếng ngáy rất khó chịu cho người khác.

Khi nằm sấp, ngực bị đè ép khiến cho hoạt động của tim và phổi không được thuận lợi, mũi bị gối lấp kín buộc người ta phải nghiêng đầu sang một bên tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát sinh chứng lạc chẩm (vẹo cổ, đau gáy).

Với trẻ em, tư thế nằm sấp khi ngủ trong một thời gian dài khiến cho xương mặt dễ bị biến dạng ảnh hưởng đến thẩm mỹ do xương mặt và vòm họng của chúng chưa phát triển đầy đủ. Nếu nằm nghiêng bên trái, tim bị đè nén ảnh hưởng đến tuần hoàn và với người có bệnh lý dạ dày thì bệnh lâu khỏi, thậm chí có thể nặng lên.

     Tuy nhiên, tư thế nằm ngủ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố sinh bệnh lý. Ví như, phụ nữ có thai không nên nằm ngửa vì với tư thế này tử cung sẽ đè lên các tĩnh mạch làm cho lượng máu về tim giảm đi khiến lượng ôxy cung cấp cho não cũng theo đó suy giảm làm phát sinh các chứng tức ngực, chóng mặt, buồn nôn, khó thở, thậm chí tụt huyết áp.

 Người bị bệnh tim nặng, viêm khí phế quản, hen phế quản chỉ có thể chọn tư thế nửa nằm nửa ngồi. Người bị bệnh viêm gan cấp tính có triệu chứng đau âm ỉ vùng hạ sườn phải thì buộc lòng phải chọn tư thế nằm ngủ nghiêng về bên trái...Nói tóm lại, lựa chọn tư thế ngủ phù hợp không nhũng có lợi cho việc chữa trị bệnh tật và phục hồi sức khỏe mà còn có tác dụng hỗ trợ cho việc ngủ ngon.

Quay đầu hướng bắc khí âm hàn tồn thương phần dương cơ thể

Con người sống giữa trời đất, cả lúc thức cũng như lúc ngủ đều chịu sự tác động của vô số các yếu tố vật lý như hướng gió, chiều nắng, độ ẩm, tiếng ồn, nhiệt độ...,vậy nên, vị trí và phương hướng khi nằm ngủ cũng cần phải có sự lựa chọn thích hợp để đảm bảo sức khoẻ và phòng chống tật bệnh.

     Theo y học cổ truyền, để theo đúng phép dưỡng sinh, trước hết cần tránh nằm ngủ đầu quay về hướng bắc. Bởi lẽ, phương bắc là dương ở trong dương, thuộc hành thuỷ, chủ hàn, trong khi đó đầu người lại là nơi hội tụ của các kinh dương, nơi chứa đựng nguyên thần. Nếu nằm quay đầu về hướng bắc thì khí âm hàn sẽ làm tổn thương phần dương của cơ thể.

Chương Đạo tâm dưỡng sinh sách Thiên kim yếu phương viết : “Đừng nằm quy đầu về hướng bắc và chớ đặt giường phía tường bắc”. Sách Lão lão hằng ngôn cũng viết : “Chớ nằm quay đầu về hướng bắc nhằm tránh khí âm”. Khi điều tra về bệnh viêm não tại một bệnh viện ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), các nhà y học thấy rằng, tỷ lệ mắc bệnh ở những người nằm quay đầu về hướng bắc thường cao hơn những người nằm quay đầu về hướng khác.

Quay theo mùa cho vượng khí, tránh bệnh

     Thứ nữa, theo quan điểm “thiên nhân tương ứng” của y học cổ truyền phương Đông, nên chọn hướng nằm ngủ theo mùa mà thuận theo tự nhiên. Mỗi năm có bốn mùa thì cũng nên có bốn hướng nằm, hướng này tương ứng với vượng khí của mỗi mùa. Ví như, khí của mùa xuân vượng ở phương đông thì mùa này nên nằm ngủ nên quay đầu về hướng đông. Tương tự như vậy, mùa hè nằm đầu quay về hướng nam, mùa thu quay về hướng tây và mùa đông quay về hướng bắc.

     Cuối cùng, như sách Bảo sinh tâm giám viết : “ Nằm ngủ, xuân hè nên quay đầu về hướng đông, thu đông nên quay về hướng tây. Cơ sở của lý thuyết này dựa theo nguyên tắc dưỡng sinh trong y thư cổ Hoàng đế nội kinh : “Xuân hạ dưỡng dương, thu đông dưỡng âm”. Mùa xuân và mùa hè, dương khí thịnh vượng, khí dương bốc lên, mà phương đông thuộc dương chủ thăng, đầu quay về hướng đông nhằm ứng với khí bốc lên mà dưỡng dương. Mùa thu đông thuộc âm, âm khí thu tàng, tiếm ẩn, mà phương tây thuộc âm chủ về giáng, nằm quay đầu về phía tây nhằm ứng với khí thu về mà dưỡng âm.

 Ngủ đầy đủ tuổi thọ cao

Thời gian ngủ phải đầy đủ, nếu ngủ thiếu thời gian sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, hiệu quả công việc sẽ suy giảm. Nhưng ngủ quá nhiều cũng làm cho độ linh hoạt của cơ thể kém đi. gây ra phản ứng chậm chạp do vỏ đại não bị ức chế trong thời gian dài. Hai tình huống này đều gây cản trở cho công việc hàng ngày, đương nhiên cũng rất có hại cho cơ thể.

Phép dưỡng sinh học Đông y cho rằng: “ngủ như ăn uống, không ăn quá no” và chủ trương “không nên dậy muộn, không nên ngủ nhiều”. Sinh lý học hiện đại cho rằng, một chu trình ngủ tồn tại hai pha là ngủ có giấc mơ và ngủ không có giấc mơ, kéo dài khoảng 90 phút. Các chuyên gia nước ngoài khi nghiên cứu về giấc ngủ đã rút ra kết luận: bình quân thời gian ngủ của người trưởng thành trong một ngày là 7,5 giờ, tức là 5 chu kỳ ngủ.

 Kết quả nghiên cứu thống kê cho thấy thấy, ngủ ít và ngủ nhiều điều ảnh hưởng tới tuổi thọ, những người ngủ trung bình 7-8 giờ một ngày thì tuổi thọ thường cao hơn.

     Có nhiều điều, cho đến nay, bằng khoa học kỹ thuật hiện đại, chúng ta có thể giải thích được. Nhưng, có những điều chúng ta vẫn phải “tri kỳ nhiên bất tri kỳ sở hữu nhiên” (biết là thế nhưng không biết vì sao như thế). Nhiệm vụ của chúng ta là phải nỗ lực bằng mọi cách để “tri kỳ sở hữu nhiên”.

 Ngủ ngon hay không có liên quan mật thiết với môi trường ngủ. Để có giấc ngủ ngon, nhiệt độ trong phòng cần vừa phải, khoảng 18-20 0C là tốt nhất, đảm bảo yên tĩnh, không có hoặc giảm tiếng ồn ở mức tối thiểu, phòng ngủ cần hơi tối, không bị ảnh hưởng bởi bức xạ điện từ, độ ẩm trung bình, có độ thông thoáng phù hợp, nên mở cửa sổ khi ngủ.

Trang bị  ngủ đúng cách : Giường phải có độ cứng thích hợp, nếu cứng quá thì  khó có giấc ngủ ngon, khi ngủ dậy toàn thân sẽ đau nhức, nhất là với người có tuổi và mắc bệnh về xương khớp. Nếu giường quá mềm lại dễ làm cho xương sống ở trạng thái cong, cơ quan nội tạng dễ bị chèn ép hoặc bị kéo căng ra nên giấc ngủ sẽ không sâu. Gối ngủ cũng phải có độ mềm và chiều cao phù hợp, tốt nhất là dày chừng 10cm. Để có một giấc ngủ tốt, chăn gối phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, thơm tho.

ThS Hoàng khánh Toàn (Chủ nhiệm khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện TƯQĐ 108)

Theo Đời sống
back to top