Chế độ ăn giúp giảm nguy cơ đột quỵ

Chế độ ăn uống lành mạnh nhiều rau, chất xơ và ít đường, chất béo có thể làm giảm khả năng bị đột quỵ.

Đột quỵ là trường hợp cấp cứu, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Sau khi bị đột quỵ, người bệnh có khả năng phải phẫu thuật, dùng thuốc đặc trị, thậm chí gặp các vấn đề về não.

Không phải lúc nào bạn cũng ngăn ngừa được đột quỵ, nhưng có thể giảm đáng kể nguy cơ bằng cách thay đổi lối sống, bao gồm cả việc ăn uống.

Bạn không cần phải áp dụng một chế độ ăn uống hoàn hảo mà chỉ cần thực hiện một số điều chỉnh nhỏ. Hiệp hội Đột quỵ Anh giải thích: “Ăn uống lành mạnh, cân bằng giúp ổn định huyết áp và kiểm soát bệnh tiểu đường”.

Chế độ ăn giúp giảm nguy cơ đột quỵ

Đa số các loại rau củ quả có lợi cho sức khỏe. Ảnh minh họa: Wallpaperflare

Nhiều rau quả hơn

“Trái cây và rau củ là những nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất quan trọng. Bạn nên ăn rau quả mỗi ngày", Hiệp hội Đột quỵ Anh khuyến nghị.

Một số chuyên gia khuyên mọi người nên chọn các loại thực phẩm giàu kali như khoai lang, khoai tây, chuối, cà chua, dưa hoặc thực phẩm giàu magie như rau chân vịt.

Thêm chất xơ

Chất xơ không chỉ giúp bạn cảm thấy no lâu hơn, hỗ trợ tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón mà còn giảm khả năng bị đột quỵ.

Hiệp hội Đột quỵ cho biết: “Thực phẩm giàu chất xơ giảm lượng cholesterol trong máu của bạn. Khi chọn thực phẩm giàu tinh bột, hãy lựa ngũ cốc nguyên hạt, gạo lứt”.

Protein lành mạnh

Protein đóng nhiều vai trò quan trọng, chẳng hạn như thúc đẩy quá trình vận chuyển oxy trong máu đi khắp cơ thể.

Ăn chất béo bão hòa có thể làm tăng cholesterol của bạn, vì vậy hãy cố gắng giảm lượng chất béo đó và chọn các loại protein lành mạnh hơn như thịt nạc, đậu.

Hiệp hội Đột quỵ cho biết thêm: “Nên ăn hai phần cá mỗi tuần, đặc biệt là cá thu, cá mòi hoặc cá hồi, vì chúng có chứa axit béo omega-3, có thể ngăn ngừa đông máu và giảm huyết áp”.

Chế độ ăn giúp giảm nguy cơ đột quỵ

Hạn chế muối sẽ tránh được nhiều bệnh nguy hiểm. Ảnh minh họa: Mashed

Dùng lượng muối vừa phải

Quá nhiều muối có thể làm tăng huyết áp, bạn không nên ăn quá 6g (một thìa cà phê) muối mỗi ngày.

Phần lớn lượng muối chúng ta ăn được giấu trong thực phẩm chế biến sẵn như khoai tây chiên, các loại hạt, bánh ngọt, bánh quy, thịt nguội.

Bởi vậy, bạn nên tránh thêm muối khi nấu nướng. Hãy thử dùng gừng tươi, nước chanh, ớt, các loại thảo mộc, gia vị khô để tạo hương vị cho món ăn.

Ít béo và ít đường

Tất cả chúng ta đều cần một lượng nhỏ chất béo và đường trong chế độ ăn uống của mình, nhưng quá nhiều có thể dẫn đến các vấn đề về cân nặng, làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Thực phẩm được chiên rán trong bơ, dầu sẽ chứa lượng chất béo cao. Thay vào đó, hãy sử dụng dầu thực vật, hạt và dầu ô liu.

Các loại thịt đã qua chế biến, phô mai đầy đủ chất béo, bánh ngọt và bánh quy chế biến sẵn đều chứa nhiều chất béo bão hòa, vì vậy hãy cố gắng hạn chế lượng chất béo này. 

Lượng đường cao trong nhiều loại nước ngọt, đồ ăn sẵn và đồ ăn nhanh đều làm tăng cân. Bạn nên thưởng thức nhiều bữa tự làm và đồ ăn nhẹ. 

Không chiên rán

Cách bạn nấu nướng cũng quan trọng như những gì bạn ăn. Hấp, luộc và nướng đều tốt cho sức khỏe hơn chiên rán, hãy cố gắng sử dụng các phương pháp này càng nhiều càng tốt.

Bạn chỉ nên thỉnh thoảng ăn đồ chiên rán thay vì dùng thường xuyên mỗi ngày.

An Yên (Theo Express)

Theo vietnamnet.vn
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top