Chế độ ăn đủ DHA có chỉ số IQ cao hơn 8,3 điểm

(khoahocdoisong.vn) - Trẻ đẻ non và sơ sinh bình thường đòi hỏi phải cung cấp đủ DHA bởi chúng không có khả năng chuyển tiền tố DHA từ dầu thực vật, hay các thức ăn thay thế sữa mẹ khác sang DHA. Vì vậy, việc cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ và cho con bú kéo dài tới 24 tháng là rất quan trọng.

Trẻ càng nhỏ nhu cầu chất béo càng cao

Sau sinh từ 40 - 45 ngày DHA trong sữa mẹ chiếm 0.3% (AA là 0.4% và DPA là 0.2%). Trẻ được bú sữa mẹ và chế độ ăn đủ DHA có chỉ số IQ cao hơn 8,3 điểm và tỷ lệ chậm phát triển hệ thần kinh giảm.

Cấu tạo của não người có tới 60% là acid béo, trong đó DHA chiếm một số lượng khá lớn. Omega-3 cần thiết cho phát triển hoàn thiện chức năng nhìn của mắt, cho sự phát triển hoàn hảo hệ thần kinh. Người trưởng thành DHA có tác dụng giảm cholesterol toàn phần, giảm triglyceride máu, giảm LDL-cholesterol (cholesterol xấu) giúp dự phòng xơ vữa động mạch, bệnh nhồi máu cơ tim, giảm nguy cơ bị nhồi máu cơ tim tái phát. Ăn cá từ 1 - 2 lần mỗi tuần  làm giảm nguy cơ bị đột quỵ, cải thiện trí nhớ cho người già, giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.

Ăn cá rất tốt cho cơ thể, nhưng không có nghĩa là càng ăn nhiều càng tốt, mà chỉ nên ăn vừa phải 2 - 3 lần/tuần, ngoài ra, nên bổ sung các loại thực phẩm khác để bữa ăn đa dạng thực phẩm, cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể, vì mỗi loại thực phẩm lại có tính ưu việt riêng về giá trị dinh dưỡng.

Do cơ thể trẻ phát triển rất nhanh, vì vậy, trong khẩu phần ăn của trẻ rất cần có chất chất béo động vật và chất béo thực vật theo tỷ lệ 1:1. Chất béo, ngoài cung cấp nguồn năng lượng cao, chúng còn giúp cơ thể tăng cường hấp thu các vitamin tan trong chất béo (vitamin A, D, E, K). Theo khuyến nghị nhu cầu dinh dưỡng cho người Việt Nam thì trẻ càng nhỏ, nhu cầu chất béo  càng cao. Nhu cầu năng lượng do chất béo cung cấp cho trẻ: với trẻ bú mẹ hoàn toàn thì 40 - 60% năng lượng ăn vào, trẻ từ 6 tháng - 2 tuổi thì 30 - 40%, từ 3 - 5 tuổi là 25 - 35% và từ 20 - 30% tổng năng lượng ăn vào cho trẻ từ 6 - 10 tuổi.

Ngoài ra, dầu ăn là chất béo thực vật, chứa nhiều axit béo không no như dầu vừng, lạc, đậu tương, dầu ô liu, dầu gấc... Cần lựa chọn các loại thực phẩm để đưa vào bữa ăn của trẻ, nhằm đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu lượng chất béo không no omega-3.

9 tháng trẻ có thể ăn các loại thức ăn giống người lớn

Bữa ăn của trẻ cần có đủ các loại thực phẩm như gạo, đậu, hoặc thịt, cá, trứng, rau xanh và dầu mỡ. Chế biến thức ăn cho trẻ phải phù hợp theo từng lứa tuổi. Với trẻ dưới 12 tháng, các loại thức ăn cần xay thành bột, thái nhỏ, nghiền nát, nấu kỹ cho dễ tiêu. Khi trẻ trên 12 tháng và có đủ răng hàm cần tập cho trẻ ăn thô hơn để trẻ tự ăn nhai. Thực phẩm bổ sung vào bữa ăn của trẻ từ 6 - 7 tháng là thịt, trứng; từ 7 - 8 tháng tập cho trẻ ăn cá, tôm, cua, đậu đỗ, vừng, lạc...; từ 9 tháng có cho trẻ ăn tất cả các loại thức ăn giống người lớn.

Số bữa ăn của trẻ dưới 12 tháng tuổi như sau: Dưới 6 tháng trẻ cần bú mẹ hoàn toàn; tròn 6 tháng tuổi bú mẹ là chính + 1 - 2 bữa bột loãng và nước quả; từ 7 - 9 tháng: bú mẹ + 2 - 3 bữa bột đặc (10%) + nước quả hoặc hoa quả nghiền; từ 10 - 12 tháng: bú mẹ + 3 - 4 bữa bột đặc (15%), hoặc cháo + nước quả hoặc hoa quả nghiền.

Với trẻ 1-2 tuổi: Tiếp tục cho trẻ bú mẹ, nếu mẹ không có sữa cho bé uống sữa ngoài từ 300 - 500ml/ngày, ăn 4 bữa cháo hoặc súp mỗi ngày; ăn quả chín theo nhu cầu của trẻ. Lượng thực phẩm trong ngày: Gạo 100 - 150g; thịt (cá, tôm) 100 - 120g; 1 tuần 3 - 4 quả trứng gà; dầu, mỡ 25 - 30g; rau xanh 50 - 100g; quả chín 150 - 200g.

Với trẻ từ 2 - 3 tuổi: Chuyển từ chế độ ăn cháo sang ăn cơm nát, nhưng vẫn phải cho ăn thêm cháo mỳ, súp, phở và uống sữa, trẻ vẫn cần có chế độ ăn riêng. Số bữa ăn trong ngày: 4 bữa cơm nát (cháo, mỳ, súp); sữa 300 - 500ml/ngày. Lượng thực phẩm trong một ngày: Gạo tẻ 150 - 200g; thịt (cá, tôm) 120 - 150g; dầu mỡ 30 - 40g; rau xanh 150 - 200g; quả chín 200g.

Với trẻ từ 3 - 5 tuổi: Ăn 4 bữa/ngày nhưng lượng ăn tăng lên, nên cho trẻ ăn các món mà trẻ yêu thích. Tuyệt đối không nên cho trẻ ăn bánh kẹo, nước ngọt, quả chín ngọt trước mỗi bữa ăn. Lượng thực phẩm hằng ngày như sau: Gạo tẻ: 200 - 300g; thịt (cá, tôm) 150 - 200g; dầu mỡ 30 - 40g; rau xanh 200 - 250g; quả chín 200 - 300g; sữa 300 - 500ml.

ThS.BS Nguyễn Văn Tiến (Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng)

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top