PGS.TS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, khi mắc bệnh thận mạn tính trẻ sẽ không được ăn một số loại thực phẩm có thể tạo thêm gánh nặng cho thận. Việc thay đổi chế độ ăn sẽ khiến cho trẻ khó nạp đủ năng lượng để tăng cân, tăng chiều cao và năng lượng cần cho hoạt động hàng ngày.
Do vậy, khi con bị bệnh thận, tốt nhất bạn nên nhờ chuyên gia dinh dưỡng tư vấn cách lựa chọn những loại thực phẩm lành mạnh cho tình trạng bệnh tật của trẻ mà vẫn cung cấp đủ năng lượng.
Để giúp trẻ phát triển bình thường, tăng cân tốt cần một chế độ dinh dưỡng có kiểm soát. Phải cung cấp đủ chất béo. Một số loại chất béo khá tốt cho sức khỏe như các loại dầu thực vật chứa hàm lượng chất béo bão hòa thấp như dầu ngô, dầu oliu hay dầu hạt cải, và margarine mềm không hydrogen hóa làm từ những loại dầu này. Cho trẻ ăn chủ yếu thịt nạc và loại bỏ phần mỡ, da, như thịt gà bỏ da, cá, thịt thăn lợn và thịt bò.
Theo PGS.TS Trương Hồng Sơn, trẻ mắc bệnh thận mạn tính thường phải cắt giảm một số thực phẩm giàu kali, natri và/hoặc photpho vì nếu những khoáng chất này tích lũy trong cơ thể có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Thay vì sử dụng sữa, hãy thêm kem tươi, kem béo thực vật vào món ngũ cốc, súp, món tráng miệng và các loại nước sốt. Một số món tráng miệng có chứa ít kali, natri và photpho như bánh sừng bò, bánh cuộn, bánh quy, bỏng gạo, bánh pudding. Hãy chọn những loại không có chứa socola...
Hãy cho trẻ sử dụng những nguồn cung cấp carbohydrate đơn giản như đường, thạch, mứt, kẹo cứng, mật ong và sirô. Dầu thực vật và margarine cũng là những nguồn cung cấp năng lượng khác. Có thể phết margarin và sirô bắp lên các loại bánh pancake, bánh mỳ nướng...; Thêm margarine, dầu hạt cải hay dầu oliu khi nấu cơm, mỳ, chế biến thịt hầm, súp, các loại rau và bánh mỳ trắng; Thêm đường hoặc mật ong vào đồ uống. Thay vì uống nước trắng, hãy cho trẻ uống các loại đồ uống giàu năng lượng như nước tăng lực, nước trái cây ít kali…