Tôi 59 tuổi, chồng hơn tôi 6 tuổi. Cả hai chúng tôi đều là công chức nhà nước, chồng tôi là trưởng phòng một cơ quan có tiếng tăm, ai nhìn vào cũng nghĩ vợ chồng tôi rất hạnh phúc, nhưng sự thực không phải vậy.
Đã lâu lắm rồi, chúng tôi sống cùng nhà mà như hai người xa lạ, không ngủ cùng giường (vì anh ngáy to), không sinh hoạt tình dục (vì anh ấy “yếu”).
Tôi cảm thấy rất chán chồng không rõ lý do, ở bên anh tôi không hề có cảm hứng gì cả tôi có cảm giác anh cũng vậy, mà không hiểu vì sao.
Rất nhiều lúc tôi cảm thấy cô đơn, thì lại tìm đến bạn bè, hoặc trò chuyện cùng con cái. Khi nào anh đi công tác vài ngày, tôi còn cảm thấy rất thoải mái.
Chỉ vài năm nữa là chúng tôi về hưu, tôi bỗng cảm thấy lo lắng. Cuộc sống rồi sẽ thế nào đây khi con cái trưởng thành, chỉ còn hai vợ chồng suốt ngày chạm mặt nhau? Tôi rất muốn thay đổi mà không biết có thể không nữa.
Lâm Hạnh Mai (Hà Nội).
ảnh minh họa – internet
Chị Hạnh Mai thân, chị nói chán chồng không rõ lý do, tuy nhiên, theo thời gian con người già đi, mọi thứ dần lão hóa, trong đó tình cảm cũng không nằm ngoài quy luật này. Hẳn anh chị cũng từng trải qua một thời yêu thương, nồng thắm.
Nhưng ngày tháng trôi đi, những đam mê, nồng cháy thủa nào dần phai nhạt, bão hòa, trong khi đó những ấn tượng xấu về nhau như ngủ ngáy, yếu sinh lý…lại tăng dần, nhiều lên.
Từ đó mà việc mất cảm hứng, chán nhau cũng là điều dễ hiểu. Để thay đổi điều này thì cả chị và anh đều phải nỗ lực và có kế hoạch cụ thể.
Hãy cùng nhau thực hiện những hành động thuở yêu đương mà bấy lâu bị lãng quên, đơn giản nhất là nói những lời ngọt ngào, dành cho nhau những cử chỉ chăm sóc, âu yếm: món ăn ngon, nụ hôn buổi sáng…
Thay vì rủ bạn bè đi chia sẻ, thì chị hãy đi cùng với anh. Đặc biệt là việc ngủ chung giường, ân ái có ý nghĩa rất quan trọng trong việc gắn kết tình cảm vợ chồng.
Chỉ cần để những cảm xúc tích cực dần chiếm lĩnh những ấn tượng tiêu cực về nhau là chị đã thành công.
Tri Giao