Cây Cứt lợn: Tên khác là Cỏ hôi, Hoa ngũ sắc. Tên khoa học Ageratum conyzoides L. Họ Cúc (Asteraceae). Cây cứt lợn là một loại cỏ sống hàng năm, cao khoảng 30 - 50cm, có nhiều cành. Thân có lông mềm xanh lục hay tím đỏ. Lá mọc đối hình tam giác hoặc bầu dục, mép có răng tròn, mặt lá có lông mịn, khi vò lá có mùi đặc biệt. Cụm hoa hình đầu xếp thành ngù ở ngọn. Hoa màu lam, tím hoặc trắng.
Cây cứt lợn là loại cỏ ưa ẩm, ưa sáng, mọc khắp nơi từ núi cao đến đồng bằng, phát triển mạnh vào Xuân Hè, đến Đông thì tàn lụi. Bộ phận dùng: Toàn cây. Công dụng: Nấu nước gội đầu cho thơm tóc phụ nữ. Chế thuốc nhỏ mũi, tai: chữa viêm mũi, xoang, viêm tai (có thể làm đơn giản bằng cách lấy lá hoa tươi vắt lấy nước cốt nhỏ vào lỗ mũi, lỗ tai).
Cây Cứt lợn có cụm hoa hình đầu xếp thành ngù ở ngọn. Hoa màu lam, tím hoặc trắng. |
Cây Mỡ lợn: Tên khác là Đài hái, Mướp rừng, Dây sén. Tên khoa học: Hodgsonia macrocarpa (Blume) Cogn, họ Bí (Cucurbitaceae). Cây mỡ lợn là loại dây leo, dây dài đến 10m. Tua cuốn mập chẻ đôi. Lá mọc so le có 3 - 5 thùy, cuống lá dài có rãnh. Hoa đơn tính (hoa đực, hoa cái mọc riêng rẽ). Quả hình cầu to bằng quả bưởi. Hạt to dẹt khum, nhân chứa nhiều dầu. Mùa hoa tháng 5 - 7. Mùa quả: Tháng 9 - 2. Cây mọc hoang ở các tỉnh miền núi nước ta, leo lên cây gỗ hoặc cây bụi ven rừng.
Dân ở một số địa phương miền núi cũng trồng để lấy hạt ăn. Bộ phận làm thuốc: Thân, lá thu hái quanh năm. Hạt lấy ở quả già. Công dụng: Nhân hạt để ăn thay Lạc. Dầu ép từ hạt dùng bôi ngoài chữa bỏng, lở ngứa, sưng vú. Uống để nhuận tràng (mỗi lần uống 4ml ngày 3 lần). Nước ép lá, thân: chữa loét mũi.
Rau gan heo: Tên khác là Lá Diễn, Cây cẩm, Cẩu can thái. Tên khoa học: Peristrophe tinctoria Nees in Wall, họ Ô rô (Acanthaceae). |
Rau gan heo: Tên khác là Lá Diễn, Cây cẩm, Cẩu can thái. Tên khoa học: Peristrophe tinctoria Nees in Wall, họ Ô rô (Acanthaceae). Rau gan heo là loại cỏ, thân nhẵn có rãnh dọc. Lá mọc đối hình trứng dài, mặt trên nhẵn hoặc có lông thưa, mặt dưới có lông. Cụm hoa mọc ở kẽ lá. Hoa màu tím hồng hoặc trắng. Quả nhiều hạt, khi già khô tự mở cho hạt thoát ra ngoài.
Cây mọc hoang ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta, thường được đồng bào các dân tộc trồng để tiện sử dụng (thường trồng bằng cách giâm cành) làm màu để nhuộm xôi nếp (chế thành các màu hồng nhạt hoặc tím, điều chỉnh bằng dùng nước tro bếp hoặc nước vôi trong). Bộ phận dùng: Toàn cây, thu hái quanh năm dùng tươi hay khô. Công dụng: Làm màu để nhuộm xôi nếp cho đẹp. Làm thuốc chữa ho nhiều đờm, ho ra máu, nôn ra máu. Liều dùng: 30 - 60g cây tươi hoặc 15 - 30g cây khô sắc nước uống.
Trư linh: Tên khác là Nấm lỗ. Tên khoa học: Polyporus umbellalus (Fers: Fr.) Fr, họ Nấm lỗ (Polyporaceae). Nấm sống lâu năm có thể quả hình khối, to nhỏ không đều, có khi chia nhánh như củ gừng, thân mảnh, thịt màu trắng, có vị dễ chịu khi còn tươi. Ở nước ta, nấm Trư linh là loại hiếm, mới thấy ở vùng núi Tam Đảo thuộc Vĩnh Phúc và Thái Nguyên, mọc trên gỗ khô thuộc các loài gỗ lá rộng, đây là loại nấm hoại sinh làm mục gỗ. Hiện nay vẫn phải nhập Trư linh từ Trung Quốc. Công dụng: Trư linh là thuốc lợi tiểu có hiệu quả, không có tác dụng phụ, dùng điều trị viêm thận, sỏi niệu, tiểu tiện ít, đái rắt. Ngày dùng 8 - 16g dạng thuốc sắc. Kiêng kỵ: Phụ nữ có thai.
Trư linh: Tên khác là Nấm lỗ. Tên khoa học: Polyporus umbellalus (Fers: Fr.) Fr, họ Nấm lỗ (Polyporaceae) |
Trư lung thảo: Tên khác là Cây nắp ấm, cây bắt mồi, cây bình nước, cỏ chuồng heo... Tên khoa học Nepenthes mirabilis (Lour) Druce, họ Nắp ấm (Nepenthaceae). Ở nước ta thì Trư lung thảo mọc hoang trong rừng sâu từ Quảng Trị đến Tây nguyên – Cà Mau. Trư lung thảo bám vào cây cổ thụ lớn, cây có hình dáng đẹp do lá biến dạng ở đầu lá thành hình ấm có nắp, có nhiều loài, mỗi loài có màu ấm khác nhau như xanh hoặc nâu hoặc tía, nên được người ta chọn làm cây cảnh và nhân giống bằng cách giâm cành.
Cây Trư lung thảo là dây leo nhỏ thân hình trụ, lúc non màu lục nhạt có lông, khi già màu nâu sẫm, nhẵn. Thân và lá rất dai. Cuống lá ôm thân, lá hình kiếm dài gân song song, đầu nhọn. Một số lá tạo hình ấm ở đầu lá để bắt côn trùng làm thức ăn cho cây, bên trong lá hình ấm có lông răng, phía trên, ấm có nắp do đỉnh lá phát triển thành. Bộ phận dùng làm thuốc: Toàn cây phơi khô. Công dụng: Trị ho ra máu, tiểu đường, sỏi thận, gan nhiễm mỡ. Liều dùng tùy bệnh mà thầy thuốc chọn liều, dùng từ 15 - 50g khô, độc vị hay phối hợp với các vị thuốc khác.
22 vị thuốc từ con Lợn nhà: Theo y học cổ truyền, con Lợn cho ta 22 vị thuốc gồm âm hành, bầu dục, bong bóng, chân giò, da, dạ dày, gan, lách, lông, lưỡi, mật, mỡ, óc, phổi, răng, ruột già, ruột non, tiết, tinh hoàn, thịt, tủy, xương...
Bầu dục lợn: Tên khác là Trư thận. Công dụng: Chữa thận hư, đau lưng, chân tay nhức mỏi. Bài thuốc: Bầu dục lợn (1 - 2 quả) thái nhỏ xào hoặc nấu canh với 100g lá hẹ chữa đau lưng do thận hư, ù tai, nghễnh ngãng. Sinh lý yếu (2 ngày ăn 1 lần) hoặc nấu ninh nhừ với 20g đỗ trọng bắc (ăn lúc đói) chữa chân tay nhức mỏi, lưng đau
Chân giò lợn, móng giò lợn: Tên khác là Trư đề. Công dụng: Là thuốc tốt cho phụ nữ mới đẻ thiếu sữa cho con bú. Bài thuốc: Chân giò 1 cái (hoặc móng giò 3 - 4 cái) chặt nhỏ. Đu đủ xanh non 1 quả rửa sạch rồi thái nhỏ. (nhựa quả đu đủ chứa Papain có tác dụng phân giải protein thành axit amin), lá sung có tật 100g. Tất cả ướp với gia vị trong 30 phút sau đó thêm gạo nếp 50g rồi nấu nhừ để ăn 3 lần trong ngày. Kiêng kỵ: Phụ nữ có thai không dùng
Da lợn: Tên khác là Trư bì, Bì lợn, Da heo. Da lợn chứa Elastin một loại protein gốc và nhiều collagen có tác dụng là chậm lão hóa tế bào cơ thể và tốt cho da, gân, xương, tóc, giúp gân xương chắc khoẻ, hoạt huyết, bổ máu, cầm máu, ích tinh... Là một loại thức ăn và thuốc tuyệt vời. Công dụng: Da lợn chế được nhiều món ăn ngon (đời nhà Đường ở Trung Quốc, da lợn được chế món ăn tiến vua và dành cho các cung nữ, hoàng thân, quốc thích). Có tới 109 món ăn được chế biến từ da lợn và nhiều bài thuốc cổ truyền có giá trị chữa huyết áp cao, mỡ máu cao, đái đường...
Bài thuốc: Da lợn cạo sạch lông rửa sạch, cho nước vừa đủ ninh thành keo đặc sau đó cho Hồng táo (bỏ hạt) và đường phèn vào đun sôi cho tan, ăn hằng ngày. Tác dụng: Sinh huyết, bổ khí, đẹp da, chống mỡ máu cao (nên làm mỗi lần 1kg da lợn chế thành keo, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh để ăn dần).
Da lợn tươi được dùng trong y học hiện đại để che phủ tạm thời các vết bỏng lớn và sâu cho đến khi vết thương sinh đủ da trở lại (bảo quản những mảnh da lợn tươi bằng cách ướp lạnh và diệt khuẩn bằng tia gama để điều trị bỏng khi cần). Vết thương được điều trị bằng da lợn tươi không bị nhiễm trùng, không có phản ứng miễn dịch và mau lành. Tiếc rằng ngày nay do kém hiểu biết nên da lợn bị các bà nội trợ trẻ và người bán thịt vứt đi một cách lãng phí, thậm chí nhiều cô gái khi ăn thịt lợn thì loại bỏ da trong miếng thịt (nhưng lại tìm mua các thực phẩm chức năng làm đẹp da).
Dạ dày lợn: Tên khác là Trư vị. Dạ dày lợn có tác dụng bổ dạ dày, chữa tiêu hóa kém, gầy yếu, sa dạ dày, viêm loét dạ dày. Bài thuốc: Dạ dày lợn 1 cái rửa sạch, cắt nhỏ. Gừng tươi 1 củ (khoảng 10g) giã nát, bóp với dạ dày thái nhỏ để 30 phút (sử dụng men zingiberin của gừng tươi để phân giải protein thành các acid amin) sau đó cho gia vị vừa đủ và 300g hạt sen (đã bỏ lõi) cho tất cả vào nồi thêm nước vừa đủ để ninh nhừ (tốt nhất là nồi áp suất) chia làm 2 lần ăn trong ngày. Cách 1 ngày lại ăn tiếp; liên tục 10 - 15 ngày.
Dạ dày lợn có tác dụng bổ dạ dày, chữa tiêu hóa kém, gầy yếu, sa dạ dày, viêm loét dạ dày. |
Gan lợn: Tên khác là Trư can. Gan lợn có các vitamin B1, B2. PP. Vitamin A 3304mcg%, protit 19,8%, lipit 3,6%. Gan lợn có tác dụng chữa thiếu máu và các bệnh về mắt như quáng gà, khô mắt, nhìn mờ, viêm giác mạc. Bài thuốc: Gan lợn 10g thái miếng nấu với 15g lá dâu bánh tẻ ăn cả cái lẫn nước. Gan phải rửa cho hết máu và nấu thật chín mới dùng được. Do gan lợn có nhiều cholesterol và vitamin A, nên không được ăn nhiều gan trong ngày (người lớn không ăn quá 100g/ngày). Người cao huyết áp, mỡ máu cao, thống phong (gút hay gout), bệnh gan không nên ăn gan lợn. Phụ nữ mang thai hạn chế ăn gan lợn.
Óc lợn: Tên khác là Trư tâm. Óc lợn có tác dụng bổ não chữa thần kinh suy nhược. Bài thuốc: Óc lợn 1 bộ. Xuyên khung 15g chưng cách thủy để ăn. Mỗi ngày 1 lần. Y học hiện đại sử dụng óc lợn để chế thuốc Cerebrolysin. Thuốc có tác dụng trị: Đột quỵ, chấn thương sọ não, sa sút trí tuệ.
DS Trần Xuân Thuyết (nguyên cán bộ Công ty Dược phẩm T.Ư)