Cấp cứu vì sỏi khổng lồ bám quanh ống thông niệu quản bỏ quên 5 năm

Ngày 25/3, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ vừa phẫu thuật lấy 2 viên sỏi rất to trong bàng quang và bể thận, có viên bám xung quanh ống thông JJ trong niệu quản bị đứt.

Trước đó, bệnh nhân D.V.H. (27 tuổi, ở Hậu Giang) được bệnh viện địa phương chuyển đến trong tình trạng đau nhiều vùng hông lưng trái, ấn đau. 

Bệnh nhân cho biết, 5 năm trước có tán sỏi niệu quản trái qua nội soi tại một bệnh viện ở TPHCM, các bác sĩ có đặt thông JJ và hướng dẫn người bệnh trở lại bệnh viện tái khám để rút thông.

soi-khong-lo.jpg
Hai viên sỏi khổng lồ có ống thông niệu quản bị đứt bên trong, được lấy ra từ cơ thể người bệnh 

Tuy nhiên sau đó về quê, anh không trở lại tái khám rút ống. Lâu dần, anh quên luôn ống thông này vẫn còn trong người. Sau một thời gian, anh thường bị đau âm ỉ, đau quặn vùng hông lưng trái kèm theo tiểu gắt, tiểu ra máu, nhưng không đến bệnh viện khám mà tự mua uống thuốc. Thậm chí có lần tiểu ra một đoạn dây dài, lại cứ nghĩ ống thông đã ra hết nên cũng không đi khám.

Lần này nhập viện, kết quả siêu âm và chụp cắt lớp vi tính cho thấy thận trái ứ nước độ II, có sỏi vùng bể thận - niệu quản bên trái và sỏi bàng quang cùng đoạn ống thông JJ kẹp trong cả 2 viên sỏi.

Các bác sĩ quyết định vừa phẫu thuật nội soi sau phúc mạc lấy sỏi thận trái, kết hợp mổ hở lấy sỏi bàng quang. Sau đó lấy ra viên sỏi to khoảng 3,5cm ở vùng bể thận và 1 viên sỏi to kích thước tương đương 9cm trong bàng quang. Trọng lượng 2 viên sỏi cân được là 300g, bên trong có ống thông JJ bị đứt.

BS Nguyễn Phước Lộc, trưởng khoa ngoại thận, tiết niệu - cho biết, thông thường ống thông JJ được đặt để dẫn lưu niệu quản trong trường hợp sau mổ sỏi đường tiết niệu, tán sỏi thận qua da, sau tán sỏi niệu quản qua nội soi...

Sau đó, bác sĩ sẽ cho thời gian hẹn để rút ống thông ra, tùy trường hợp nhưng thường chỉ lưu được từ 3 - 6 tháng, tối đa là 1 năm trong cơ thể.

Vì vậy, bệnh nhân đặt ống thông nên lưu ý phải tái khám để rút ống ra, không nên để lâu khiến gây các biến chứng đường tiết niệu, tạo sỏi… do để ống thông quá lâu trong cơ thể.

Theo Đời sống
Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Cục máu đông, hay còn gọi là huyết khối, nếu xảy ra trong mạch máu của các cơ quan trong cơ thể, nó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe nguy hiểm và đôi khi có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
back to top