Cấp cứu tối khẩn cứu bệnh nhân vỡ khối chửa ngoài tử cung trong khu cách ly COVID-19

Thực hiện quy trình cấp cứu tối khẩn, chỉ sau 10 phút nhận được thông tin các khoa phòng đã kịp thời có mặt và thực hiện phẫu thuật nội soi cắt khối chửa ngoài tử cung ngay trong khu cách ly, giúp bệnh nhân 28 tuổi dương tính với COVID-19 thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”.

Lần đầu tiên mổ trong khu cách ly

Bệnh nhân là L.T.H.L (28 tuổi), ở phường Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long. Theo gia đình cho biết, bệnh nhân rối loạn kinh nguyệt ra máu âm đạo 1 tuần nay. Sáng ngày 15/2, bệnh nhân xuất hiện tình trạng đau bụng nhiều vùng hạ vị kèm ra máu âm đạo, nhập viện trong tình trạng da niêm mạc nhợt, mạch nhanh, huyết áp tụt. Qua kết quả thử thai và siêu âm cho thấy, một khối thai bên trái tử cung, ổ bụng có nhiều dịch, được chẩn đoán chửa ngoài tử cung vỡ. Bệnh nhân đã được thực hiện xét nghiệm sàng lọc, test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 phát hiện dương tính.

Đánh giá đây là ca cấp cứu tối khẩn trên nền bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19, Ban lãnh đạo Bệnh viện đã nhanh chóng bố trí nhân lực cùng dụng cụ, trang thiết bị mổ cần thiết để phối hợp thực hiện phẫu thuật nội soi cắt khối chửa ngoài tử cung tại phòng mổ của khu cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19.

san-phu-2.jpg
Kíp mổ thực hiện phẫu thuật nội soi cắt khối chửa ngoài tử cung cho bệnh nhân L.

Có mặt tại phòng mổ “đặc biệt” chỉ sau 10 phút nhận lệnh, kíp mổ gồm BS Phạm Văn Lượng, Lương Thị Thúy Nga, khoa Phụ sản và BS Phạm Anh Duy, khoa Gây mê hồi sức tiến hành phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân. 

Kíp mổ cẩn trọng cắt khối chửa ngoài tử cung và cầm máu kỹ càng, đặt dẫn lưu ổ bụng. Bệnh nhân được truyền bổ sung 500ml máu ngay trong mổ để đảm bảo an toàn, duy trì huyết động ổn định khi phẫu thuật. Ca mổ cấp cứu trong hơn 1 tiếng đã thành công. Sau mổ 1 ngày, bệnh nhân phục hồi tích cực, đã ăn uống, nói chuyện bình thường.

BS Phạm Văn Lượng, khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, trực tiếp phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân L. cho biết: “Vỡ khối chửa ngoài tử cung như trường hợp bệnh nhân L. là một ca cấp cứu sản khoa rất nguy kịch, đe doạ đến tính mạng người bệnh. 

Dù là lần đầu tiên mổ trong khu cách ly nhưng mọi người chủ động, linh hoạt trong các khâu, từ phương tiện, dụng cụ gây mê, trang thiết bị, hệ thống máy nội soi cùng kíp mổ có mặt sẵn sàng cấp cứu cho bệnh nhân trong thời gian ngắn. Vì có quy trình, kịch bản phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân nhiễm/nghi nhiễm Covid-19 từ trước, nên mọi người rất chủ động kiểm soát tình hình, tuân thủ nghiêm các quy định phòng dịch, đảm bảo an toàn phẫu thuật. Thật mừng khi bệnh nhân phục hồi tốt sau phẫu thuật”.

san-phu-4.jpg
Cấp cứu tối khẩn cứu bệnh nhân vỡ khối chửa ngoài tử cung trong khu điều cách ly COVID-19

Chủ động ứng phó tất cả các tình huống 

Theo BS Phạm Văn Lượng, để cấp cứu thành công trường hợp của bệnh nhân L. không chỉ là sự phản ứng nhanh, chính xác trong công tác chẩn đoán bệnh, phát hiện ca dương tính kịp thời mà còn nhờ sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, khẩn trương giữa tất cả các chuyên khoa từ khoa Phụ sản, Gây mê hồi sức đến khoa Bệnh nhiệt đới, từ bác sĩ phẫu thuật cho đến điều dưỡng chăm sóc đã giúp cứu sống bệnh nhân thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”.

Việc xây dựng các quy trình phẫu thuật, bố trí sẵn sàng phòng mổ với cơ sở vật chất đầy đủ (đèn, bàn mổ…) cùng trang thiết bị ngay tại khu cách ly đã thể hiện sự chuyên nghiệp, linh hoạt, chủ động ứng phó tất cả các tình huống xảy ra trong quá trình chống dịch của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, qua đó mang lại yên tâm, tin tưởng cho tất cả người dân trên địa bàn luôn được cấp cứu, điều trị kịp thời trong “thời gian vàng”, song vẫn đảm bảo điều kiện phòng chống dịch bệnh, góp phần mang lại môi trường khám chữa bệnh an toàn cho nhân dân.

san-phu-3.jpg
Bệnh nhân phục hồi tích cực và được nhân viên y tế chăm sóc, theo dõi kĩ lưỡng sau mổ.

Tỉnh dậy sau cơn “thập tử nhất sinh”, bệnh nhân L. chia sẻ: “Vào viện, các bác sĩ chẩn đoán tôi bị vỡ khối chửa ngoài tử cung, lại thêm nghi dương tính với Covid-19 khiến gia đình vô cùng lo lắng. Hiện, sức khỏe của tôi đã khá hơn, chỉ còn đau nhẹ vết mổ. Dù phải cách ly không có người nhà ở bên nhưng được các bác sĩ, điều dưỡng trong khu cách ly chăm sóc rất tận tình, chu đáo tôi thấy yên tâm.

Thai ngoài tử cung là trường hợp trứng được thụ tinh, làm tổ và phát triển ở ngoài buồng tử cung. Đây được xem là nguyên nhân gây tử vong cao nhất trong sản khoa trong 3 tháng đầu thai kỳ. Vì vậy khi có các dấu hiệu nghi ngờ thai ngoài tử cung (trễ kinh, rong huyết, đau bụng), người bệnh cần phải đến khám ngay tại bệnh viện để được phát hiện sớm khi thai ngoài tử cung chưa vỡ, giảm được tình trạng mất máu, tăng khả năng giữ lại vòi trứng và giúp rút ngắn thời gian hồi phục sau mổ cho người bệnh.

Theo Đời sống
Bỏng gas nghiêm trọng, xử lý thế nào?

Bỏng gas nghiêm trọng, xử lý thế nào?

Bỏng là tai nạn rất hay gặp trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày. Sơ cứu bỏng nhiệt đúng cách sẽ giúp giảm diện tích và độ sâu của bỏng, giúp giảm những biến chứng để lại, nâng cao hiệu quả điều trị.
Nhiễm khuẩn huyết nguy hiểm sao?

Nhiễm khuẩn huyết nguy hiểm sao?

Mỗi năm, ít nhất 1,7 triệu người trưởng thành ở Mỹ bị nhiễm khuẩn huyết. Ít nhất 350.000 người lớn bị nhiễm khuẩn huyết tử vong trong thời gian nằm viện hoặc chuyển sang chăm sóc cuối đời. Vì vậy, cần biết về bệnh để phòng tránh.
back to top