Cao Xuân Dục- một nhà văn hóa lớn- Kỳ 2: Những đóng góp cho giáo dục

Với các chức vị khác nhau, dần dần từ thấp lên cao, Cao Xuân Dục đã thể hiện rõ vai trò của một vị quan cần mẫn, có trách nhiệm, có năng lực luôn được thăng chức.

Cụ Cao Xuân Dục và con, cháu, chắt.

Tham gia chính quyền, tích lũy tri thức

Từ một chức quan nhỏ rất khiêm tốn- Hậu bổ Quảng Ngãi, với sự tận tụy, với năng lực và trách nhiệm, Cao Xuân Dục đã nhanh chóng thu được sự mến mộ của công chúng và sự tin tưởng của các quan trên, được thăng Tri huyện, Tri phủ, Án sát, Bố chánh rồi Tổng đốc.

Có thể nói trong giai đoạn này, Cao Xuân Dục dường như lo nhiều cho việc chính trị xã hội. Nhưng chính từ những hoạt động này trong quá trình trực tiếp tham gia chính quyền đã tạo nền móng cho Cao Xuân Dục tích lũy tri thức chuẩn bị hành trang cho các công trình chính quan trọng của mình ở giai đoạn tiếp theo.

Từ tháng 6 năm Thành Thái thứ 5 (1893), Cao Xuân Dục được tấn phong An Xuân Nam, cùng năm đó, ông cho in sách “Quốc triều Hương khoa lục” phần chính biên và Quốc triều khoa bảng lục.

Năm Giáp Ngọ (1894), Cao Xuân Dục làm chủ khảo trường thi Hà Nam. Tháng 4 năm sau (1895), ông được thăng Thự hiệp biện Đại học sĩ. Năm Mậu Tuất (1898), Cao Xuân Dục được chuyển về Kinh nhậm chức cho giữ nguyên hàm, sung làm Phó tổng tài Quốc sử quán.

Tháng 2 năm Thành Thái thứ 11 (1899), vua xa giá đi làm lễ Thanh minh, Cao Xuân Dục được sung làm Lưu kinh đại thần. Tháng 12 năm đó Hiệp biện Đại học sĩ sung Phó tổng tài Quốc sử quán chủ trì biên soạn sách Nhân thế tu tri.

Năm Canh Tí (1900), Phó tổng tài Quốc sử quán Cao Xuân Dục (tước An Xuân Nam) cùng một số sử quan khác vâng mệnh vua Thành Thái đã sửa chữa xong bộ Thực lục Đệ ngũ kỷ và đến tháng 7 năm Thành Thái thứ 14 (1902), hoàn thành việc san khắc, in thành sách gồm 9 quyển. Trong thời gian này, Cao Xuân Dục còn làm chủ khảo khoa thi Hội năm Tân Sửu (1901).

Tham dự hội nghị về cải cách giáo dục

Năm Thành Thái thứ 18 (1906) Cao Xuân Dục ra Hà Nội dự hội nghị bàn định việc sửa chữa học quy từ cấp tiểu học tới các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình, đặc biệt còn có cả các quy định đối với trường thi Pháp- Việt. Cùng trong năm 1906, có kỳ thi Hương, do sĩ tử nhiều người khiếu kiện nên triều đình đã lập hội đồng xét các đơn tố cáo, Cao Xuân Dục được cử tham gia vào hội đồng này.

Đến năm sau (1907), nhân có kỳ thi Hội, Tổng tài Quốc sử quán Cao Xuân Dục dâng sớ xin đổi một số quy định trường thi. Ngày 14 tháng 4 (tức ngày 25 tháng 5 theo dương lịch) năm 1907, Cao Xuân Dục là một thành viên tham gia Hội đồng tu chỉnh học quy và đến tháng 9 năm đó, Cao Xuân Dục được cử làm Thượng thư bộ học.

Năm Duy Tân thứ 2 (1908), Cao Xuân Dục được gia phong Thượng thư bộ Học, tước An Xuân Nam, hàm Thái tử Thiếu bảo. Theo đề nghị của ông, trong năm 1908, các sách Quốc triều tiền biên toát yếu, Quốc triều chính biên toát yếu, Quốc triều luật lệ toát yếu và Địa dư chí ước biên đều được ấn hành phục vụ việc cải cách trong giáo dục.

Tháng 5 năm Duy Tân thứ 3 (1909) Tổng tài phụ chính đại thần, Thái tử Thiếu bảo, Hiệp biện Đại học sĩ, Học bộ Thương thư, kiêm quản Quốc Tử Giám đã hoàn thành bản mẫu tập Thực lục chính biên Đệ lục kỷ gồm 12 quyển.

Nhân dịp 70 tuổi, vào tháng 9 năm Nhâm Tý (1912) ông được nhà vua ban tặng Kim khánh hạng lớn có khắc chữ “Kiêm đạt tôn tam” và tám tấm thẻ Nam, trước khi nghỉ hưu ông được in tiếp Quốc triều Hương khoa lục và Quốc triều đăng khoa lục.

(còn nữa)

Dương Tuấn

Theo Đời sống
back to top