Nang giả tụy được hình thành phần lớn sau viêm tụy cấp hoặc mạn. Sự hiện diện của sỏi mật gây kẹt ống mật tụy và uống nhiều rượu là 2 nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm tụy, qua đó gây hình thành nang giả tụy. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như chấn thương, nhiễm trùng tuyến tụy; khối u tụy; Canxi trong máu cao; Triglyceride trong máu rất cao; Tổn thương tụy do thuốc; Bệnh tự miễn; Xơ nang do di truyền.
Nang giả tụy có thể được đặt vấn đề nghi ngờ trên các bệnh nhân bị viêm tụy cấp hoặc bệnh nhân viêm tụy mạn với các triệu chứng như đau bụng vùng thượng vị, đau lan ra xung quanh lưng; Nôn, buồn nôn; Chán ăn, sụt cân; Khối u vùng thượng vị (sờ được trong một số ít trường hợp). Có thể có sốt, vàng da. Nếu tình trạng viêm tụy nặng, hình thành nang giả tụy có thể gây mất nước, tụt huyết áp. Đôi khi tình trạng người bệnh trở nên nguy kịch một cách nhanh chóng, rối loạn chức năng các cơ quan và trụy tuần hoàn. Đồng thời, nếu nang giả tụy vỡ cũng gây ra các biến chứng tương tự.
Sự hình thành nang giả tụy có lúc không có bất kỳ triệu chứng gì. Sự hiện diện của khối nang này chỉ được phát hiện tình cờ khi khảo sát hình ảnh học trong ổ bụng vì một bệnh lý khác.
Việc chẩn đoán nang giả tụy sẽ dựa trên bệnh sử, các triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm, bao gồm:
- Các xét nghiệm định lượng nồng độ men tụy trong máu và cả trong nước tiểu.
- Các xét nghiệm đánh giá tình trạng chuyển hóa bên trong cơ thể như công thức máu, đo lường các chất điện giải natri, kali, canxi, glucose, triglyceride máu.
- Các xét nghiệm hình ảnh học: Siêu âm bụng là một xét nghiệm đơn giản với độ chính xác 90%. Việc chụp cắt lớp ổ bụng (CT scan) giúp phân biệt nang tụy và nang giả tụy, có thể chụp cộng hưởng từ (MRI) hay dụng cụ siêu âm đặc biệt là siêu âm qua nội soi.
Để điều trị viêm tụy, người bệnh cần nghỉ ngơi tại giường, hạn chế vận động, truyền dung dịch điện giải qua đường tĩnh mạch, sử dụng thuốc giảm đau, thuốc chống nôn. Cần nhịn ăn uống hoàn toàn trong một thời gian để tuyến tụy có thể nghỉ ngơi hoặc nuôi dưỡng qua đường mũi thông qua ống thông dạ dày đến ruột non mà không qua tá tràng, tức không cần sự tham gia của tuyến tụy.
Nhiều trường hợp nang giả tụy với kích thước nhỏ sẽ tự thu lại và biến mất trong khi chỉ điều trị viêm tụy cấp đơn thuần. Tuy nhiên, người bệnh vẫn cần kiểm tra lại định kỳ bằng hình ảnh học nhằm loại trừ khả năng nang giả tụy hình thành trở lại. Trong trường hợp nang giả tụy có kích thước lớn, người bệnh cần được dẫn lưu dịch tụy trong nang ra ngoài xuyên qua da hay phẫu thuật bóc tách nang giả tụy.
Nang giả tụy là một túi chứa dịch tụy khi đã bị rò rỉ ra ngoài. Tình trạng này có thể không có biểu hiện gì nhưng đôi khi cũng gây ra các vấn đề nghiêm trọng, có khi còn hơn cả tình trạng viêm tụy cấp nếu giải phóng ồ ạt men tụy vào trong phúc mạc. Chính vì thế, việc phát hiện sớm sự hiện diện của nang giả tụy sau biến cố viêm tụy cấp và chủ động can thiệp là điều cần thiết, giúp phòng ngừa biến chứng nặng nề về sau.
BS Nguyễn Thị Nhàn (Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)