Cảnh giác khi con buồn bã, chán nản kéo dài

Đằng sau mỗi vụ việc trẻ tự tử luôn là nỗi đau, day dứt của gia đình, người thân khi đã không kịp thời phát hiện dấu hiệu bất thường của trẻ.

Những vụ việc đau lòng

Mới đây, vào giữa tháng 2, vụ việc nam sinh viên Nguyễn Văn Ngh. (19 tuổi, quê Bình Định) mất tích nhiều ngày, sau đó phát hiện tử vong ở sông Sài Gòn đã khiến dư luận đau lòng khi kết luận điều tra cho biết, nguyên nhân tử vong là do tự tử.

Theo điều tra, nam sinh này đã quyết tâm thực hiện đến cùng ý định tự tử. Khám nghiệm hiện trường, trong ba lô của Ngh. đeo theo người có 10kg đá.

Cái chết của Ngh. đã để lại nỗi đau lớn cho gia đình. Gia đình em không thể ngờ, một nam sinh học giỏi, là niềm hy vọng của gia đình lại chọn cái chết, ra đi đột ngột như thế. Khi con trai mất, bố của Ngh. nhớ lại trước lúc lên nhập học trên TPHCM tâm trạng của Ngh. có vẻ buồn, ít nói.

Tuy nhiên, theo người cha này, sau gần một năm ở nhà học online, em Ngh. rất mong ngóng được vào TPHCM đi học trực tiếp. Ông không thể ngờ, chuyến đi đầu tiên nhập học cũng là chuyến đi cuối cùng của con trai.

Trong khi đó, đại diện Trường Đại học Sư phạm TPHCM cho hay, sinh viên Ngh. có học lực ổn định, điểm số xếp loại giỏi. Cụ thể, điểm trung bình tích lũy học kỳ của Ngh. được 8.6, điểm hệ số 4.0 đạt 3.4. Em Ngh. tham dự lớp đầy đủ, không có biểu hiện gì bất thường về tâm lý.

Ngay sau vụ việc của em Ngh. vài ngày, trong giờ ra chơi buổi sáng, một nữ sinh lớp 10 của Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4, TPHCM) sau khi nói với bạn bè “nhảy lầu đây” đã lao từ tầng 3 xuống tự tử khiến các học sinh khác không kịp ngăn cản.

Một số bạn bè học cùng THCS cho biết em có dấu hiệu trầm cảm từ lâu. Nữ sinh từng chia sẻ với bạn bè nhiều điều lạ lùng, trong đó có ý định tự tử.

Thông tin từ phía nhà trường cho biết, bà nội kể với giáo viên rằng em bị trầm cảm từ lúc học THCS. Nhiều lúc em nói những lời rất khó hiểu, bày tỏ muốn tự tử.

Nhiều vụ việc đau lòng tương tự cũng đã xảy ra trước đây khiến phụ huynh lo lắng. Đặc biệt, trong bối cảnh trẻ phải học online kéo dài, sẽ có nhiều nguy cơ trẻ bị ảnh hưởng sức khỏe tâm thần.

Nhiều phụ huynh chia sẻ, họ có cảm giác con có những biến đổi, thay đổi bất thường. Trẻ trở nên lầm lì, ít nói, hoặc hay nổi cáu. Phụ huynh bối rối, không biết nên cư xử như thế nào với con, và đâu là giới hạn báo hiệu trẻ gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần cần phải can thiệp.

Trầm cảm có thể phát sinh đột ngột

Trao đổi với phóng viên Khoa học và Đời sống, GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho biết, trước hết, cần làm rõ khái niệm “sức khỏe” và “sức khỏe tâm thần”.

hoc-truc-tuyen.jpg
Việc học trực tuyến kéo dài có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ. Ảnh: Mai Loan.

Năm 1960, E.Roger đã đưa vào lời mở đầu của Điều lệ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa về sức khoẻ, đó là: “Tình trạng ổn định hoàn toàn về mặt thể lực, tâm hồn và xã hội chứ không chỉ là không có bệnh hay khuyết tật về thể lực”.

Như vậy, sức khỏe là trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tinh thần, xã hội và không phải chỉ bao gồm có hay không có bệnh hay thương tật (theo WHO).

Trên thực tế, có những người không có bệnh, không hề bị thương tật nhưng lại không có sức khoẻ vì đang bị suy sụp về mặt tinh thần do những nguyên nhân khác nhau. Ngược lại có những người lâm bệnh rất nặng, thậm chí là bệnh hiểm nghèo nhưng sức khoẻ tinh thần rất tốt. Họ vẫn lạc quan yêu đời, vẫn làm việc và biết động viên người khác.

Sức khoẻ nói chung không thể chỉ khoanh vào lĩnh vực thể chất, mà phải bao gồm mặt tâm lý. Trong điều kiện của cách mạng công nghệ 4.0, con người, đặc biệt là trẻ em ở nước ta hiện nay, tỷ lệ số trẻ mắc các bệnh rối loạn tâm thần đã ở mức báo động.

Vậy làm thế nào để nhận biết trẻ có dấu hiệu về sức khỏe tâm thần? Theo GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, cha mẹ cần quan sát. Trẻ có dấu hiệu về sức khỏe tâm thần thường không bình thường như những đứa trẻ khác như: chậm nói, học thì chậm viết, đọc kém, trí nhớ kém, phản ứng chậm với các tác động của ngoại cảnh.

Hoặc đôi khi, trẻ lại quá hiếu động ngay cả khi ngồi trong lớp, có những hành vi không bình thường, sở thích hạn hẹp, hành vi lặp lại, hạn chế giao tiếp hoặc không muốn giao tiếp với người khác.

Theo GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, hiện nay, việc phải ở nhà học trực tuyến kéo dài, không được vui chơi… là những nỗi khổ đối với trẻ em. Với những em chịu kỳ vọng trong học tập, khó khăn này đã gây nên bi quan, chán ngán, có thể là khởi đầu của các chứng bệnh tâm thần.

“Nếu trẻ em nào mắc phải những vấn đề về sức khỏe tâm thần, tâm lý, rất cần phải được can thiệp, trị liệu sớm bởi các nhà chuyên môn về trị liệu, can thiệp tâm lý”, GS.TS Nguyễn Ngọc Phú nói.

PGS.TS Nguyễn Kim Việt, nguyên Trưởng Bộ môn Tâm thần, Đại học Y Hà Nội; nguyên Giám đốc Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, rất có thể một người quen, một người thân ở ngay cạnh chúng ta đang mắc trầm cảm và cần sự giúp đỡ mà ta không nhận ra.

Trầm cảm không phải lúc nào cũng gây ra bởi một tình huống tiêu cực. Trầm cảm có thể phát sinh đột ngột ngay cả khi mọi thứ trong cuộc sống dường như đang diễn ra tốt đẹp. Tuy nhiên, các sự kiện đau buồn diễn ra trong cuộc sống có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm

Một trong những dấu hiệu của trầm cảm mà cha mẹ cần lưu ý là trẻ mất hứng thú với những hoạt động bình thường mình thích, buồn bã, tuyệt vọng, kể cả khi không có một lý do cụ thể nào trong thời gian dài.

Đôi khi, với trẻ đang ở tuổi “ẩm ương”, những triệu chứng đó lại ẩn sau các dấu hiệu như cáu kỉnh, giận dữ, không hợp tác khiến cha mẹ tưởng con đang ở lứa tuổi “khó bảo”. Tuy nhiên, nếu thấy trẻ buồn bã kéo dài trên 2 tuần và điều đó khiến các chức năng của cơ thể bị ảnh hưởng, ảnh hưởng tới hoạt động, làm việc, học tập của trẻ thì đó là bệnh lý trầm cảm.

Nếu không được điều trị, các triệu chứng trầm cảm tiếp tục trong nhiều tuần hoặc vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm, trong trường hợp xấu nhất, trầm cảm có thể dẫn đến tự sát.

Khi bị trầm cảm, trẻ cần được hỗ trợ về cảm xúc. Cha mẹ nên nói chuyện và lắng nghe trẻ một cách nghiêm túc. Đặc biệt, không bao giờ bỏ qua chia sẻ của trẻ về tự sát, ngay cả khi nó có vẻ như một trò đùa. Cần xem xét nghiêm túc về nguy cơ tự sát.

Theo các chuyên gia, trẻ ít khi nói về việc tự tử. Nếu thấy một số hành vi bất thường của trẻ thì cần phải cảnh giác: Trẻ hay than thở buồn chán, thấy mình vô nghĩa, vô dụng. Trẻ tích trữ thuốc ngủ, quan tâm tới thuốc độc, thuốc trừ sâu, dây thừng. Trẻ bỗng dưng cư xử thân mật, tình cảm với mọi người sau một thời gian dài sống thu mình, hoặc dặn dò người thân, bạn bè…

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top