Cảnh báo đề phòng rắn độc tấn công vào mùa hè

Hiện nay tai nạn do rắn độc cắn rất phổ biến, tai nạn này thường tăng vào mùa hè khi rắn vào mùa sinh sôi, phát triển.

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả đã tiếp nhận và điều trị thành công cho hai trường hợp bị rắn độc cắn chỉ trong ít ngày.

Trường hợp thứ 1: Bệnh nhân D.V.D. (47 tuổi, quê Hải Dương) nhập viện ngày 1/8/2024 trong tình trạng đau buốt và sưng nề bàn tay, cẳng tay phải. Khoảng 1h trước vào viện, bệnh nhân đang trên thuyền đi biển, bị một con rắn (không rõ loại) cắn vào mặt trong cổ tay phải; sau khi bị cắn, bệnh nhân có lấy gạc garo phía trên vết cắn, song cánh tay tiếp tục đau nhiều, phù nề nhiều vùng bàn tay, cẳng tay và lan đến khuỷu tay; tại vết cắn có rõ hình 2 nốt răng nanh rắn cách nhau khoảng 1,2cm.

Vết răng rắn cắn trên ngón tay bệnh nhân Th. Ảnh BVCC

Vết răng rắn cắn trên ngón tay bệnh nhân Th. Ảnh BVCC

Trường hợp thứ 2: bệnh nhân N.H.T. (31 tuổi, quê Quảng Ninh), nhập viện ngày 4/8/2024. Bệnh nhân bị rắn hổ mang cắn vào đốt thứ ba của ngón 2 bàn tay phải. Tại vết cắn có hai nốt răng rắn cách nhau 0,5cm. Mặc dù đã cố gắng nặn máu tại vết cắn, bệnh nhân vẫn cảm thấy đau nhiều nên quyết định đến bệnh viện. May mắn là những người đi cùng đã đánh chết con rắn và mang theo, giúp các bác sĩ xác định chính xác loại rắn đã tấn công.

Cả hai bệnh nhân đều được tiếp nhận tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc và được điều trị theo phác đồ rắn độc cắn của Bộ Y tế. Các bác sĩ đã theo dõi sát sao các dấu hiệu nhiễm độc do nọc rắn, bao gồm nhiễm độc thần kinh và rối loạn đông máu. Sau vài ngày điều trị tích cực, tình trạng sức khỏe của cả hai bệnh nhân đã ổn định đáng kể.

️Vết răng rắn cắn trên cổ tay bệnh nhân D. Ảnh BVCC

️Vết răng rắn cắn trên cổ tay bệnh nhân D. Ảnh BVCC

BS.CKI Nguyễn Hữu Thành - Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện ĐKKV Cẩm Phả khuyến cáo: "từ tháng 4 đến tháng 11 là mùa sinh sôi phát triển của rắn độc nên rất nhiều người bị rắn cắn phải nhập viện. Khi bị rắn độc cắn, người dân không nên áp dụng kinh nghiệm dân gian để sơ cứu vết thương như trích rạch, châm chọc tại vùng vết cắn, dùng miệng hút máu, dùng các bài thuốc dân gian đắp lá vào vết thương. Hãy sơ cứu đúng cách để làm cho nọc độc của rắn từ vết cắn xâm nhập vào trong cơ thể chậm hơn và ít hơn như băng ép nhẹ nhàng trên vị trí bị cắn 5cm, bất động tay chân bị rắn cắn bằng nẹp, băng cầm máu nếu chảy máu nhiều, ngay sau đó, người dân cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được xử lý kịp thời".

Nhận biết rắn độc và rắn thường

Có thể nhận biết rắn độc và rắn không độc thông qua dấu răng, tình trạng phù nề và màu sắc vùng da bị cắn. Rắn độc có hai tuyến nọc và răng độc cho nên khi cắn thường để lại 2 dấu răng trên vết cắn. Còn rắn thường thì không có tuyến nọc và chỉ có răng hàm, nên sau khi cắn sẽ thấy vết cắn có hình vòng cung và các dấu răng đều nhau.

Sau khi bị rắn cắn, nếu nạn nhân có các dấu hiệu như trào đờm, mờ mắt, chảy máu tại chỗ, cứng miệng, sưng nề, nôn ra máu… thì 90% là đã bị nhiễm nọc độc của rắn, cần sơ cứu và đưa tới bệnh viện ngay.

Nếu vết thương lành, có dấu tích của rắn thường, phản ứng tại chỗ không nhiều, không có dấu hiệu toàn thân thì cũng cần vệ sinh sạch sẽ vết cắn và nên đi kiểm tra để tránh tình trạng nhiễm trùng, biến chứng.

Xử trí ban đầu khi bị rắn cắn

Bước 1: Bất động chân, tay bị cắn bằng nẹp (vì vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn). Cởi bỏ đồ trang sức ở chân, tay bị cắn (vì có thể gây chèn ép khi vùng đó bị sưng nề).

Bước 2: Băng ép bất động với một số loại rắn hổ (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường),

Dùng băng chun giãn, băng vải hoặc tự tạo từ khăn, quần áo. Băng tương đối chặt nhưng không quá mức (còn sờ thấy động mạch đập). Bắt đầu băng từ ngón chân, tay đến hết toàn bộ chân, tay bị cắn. Dùng nẹp cứng (nẹp, miếng gỗ, que, miếng bìa cứng...) cố định chân, tay bị cắn. Không băng ép khi rắn lục cắn vì có thể làm vết thương nặng thêm. Bất động để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim, nếu ở chân, tay thì có thể để thõng tay hoặc chân...

Bước 3: Rửa sạch vết rắn cắn dưới vòi nước sạch rồi sát trùng.

Bước 4: Nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí kịp thời.

Những việc không nên làm khi bị rắn cắn

Garô: Garô là biện pháp làm tắc nghẽn hoàn toàn động mạch. Nó gây đau và rất nguy hiểm và không thể duy trì lâu (không quá 40 phút), chân tay rất dễ bị thiếu máu nguy hiểm. Nhiều trường hợp sau đó phải cắt cụt chân tay vì garô. Ngoài ra, khi đến bệnh viện, bác sĩ tháo băng garo ra thì chất độc sẽ cùng lúc ùa về tim khiến bệnh nhân bị sốc, đe dọa tính mạng.

Chích, rạch, châm, chọc tại vùng vết cắn: Các biện pháp này không có lợi ích, rõ ràng gây hại thêm (tổn thương thêm mạch máu, dây thần kinh...nhiễm trùng nặng thêm).

Hút nọc độc: Không có lợi ích.

Chườm đá (chườm lạnh): Đã được chứng minh là có thể gây hại.

Sử dụng các loại thuốc dân gian, cổ truyền, chữa bằng mẹo: Không có ích lợi, khi đắp có thể gây nhiễm trùng, khi uống có thể gây hại cho nạn nhân.

Cố gắng bắt hoặc giết rắn: Nếu rắn đã chết hoặc bắt được rắn phải đem cùng với bệnh nhân đến bệnh viện để nhận dạng.

Để phòng tránh bị rắn tấn công, người dân nên chủ động áp dụng các biện pháp cơ bản sau:

Nếu đi trong rừng hoặc khu vực có nhiều cây cối, nên đi ủng hoặc giầy cao cổ, mặc quần áo dài, đội mũ rộng vành.

Vào ban đêm, người dân cần sử dụng đèn cầm tay hoặc thắp bóng điện sáng ở khu vực đang lao động.

Không nằm ngủ trực tiếp trên nền đất.

Phát quang vườn tược, dọn sạch những nơi rắn thích cư trú hoặc thích đến như các đống gạch vụn, đống đổ nát, tổ mối, nơi nuôi các động vật của gia đình.

Để tránh bị rắn biển cắn, người dân chài không nên bắt rắn ở trong lưới hoặc dây câu. Có thể dễ nhầm lẫn khi phân biệt giữa đầu rắn và đuôi rắn. Những người tắm hoặc giặt ở các vùng nước đục ở cửa sông hoặc một số vùng bờ biển cũng có thể dễ bị rắn cắn.

Khi thấy rắn, tuyệt đối không tìm cách cố bắt rắn hoặc đập rắn, khi gặp nguy hiểm một số loại rắn độc có khả năng quay ra tấn công, phun nọc độc ra xa gây tổn thương các vùng cơ thể như mắt mũi, mặt, da trên cơ thể.

Theo Đời sống
back to top