Căng thẳng thịt heo, người nuôi gà vẫn khó

(khoahocdoisong.vn) - Những tưởng dịch tả lợn châu Phi khiến nguồn thịt lợn thiếu hụt sẽ là động lực để giá các loại thịt thay thế như thịt gà tăng mạnh, nhưng thực tế nó lại là lực cản đối với giá thịt gà.

Thịt lợn đắt ngang thịt bò

Theo khảo sát tại chợ Vườn Chuối (quận 3, TPHCM), thịt ba rọi có giá 130.000đ/kg, sườn non cũng đã lên đến 200.000đ/kg. Tại siêu thị Co.op, giá thịt lợn tại các quầy của Vissan hay Satra Food cũng đều ở mức cao: Nạc đùi lợn 147.000đ/kg, ba rọi: 167.000đ/kg, ba rọi rút sườn: 213.000đ/kg, chân giò: 114.000đ/kg, sườn non: 235.000đ/kg. Trong khi đó, giá thịt bò cũng chỉ dao động ở mức 200.000 – 250.000đ/kg tùy loại.

Các tiểu thương cho biết, do dịch tả lợn châu Phi, giá thịt bị đẩy lên cao khiến người mua giảm hẳn. Một tiểu thương bán thịt tại chợ Vườn Chuối than thở: “Mỗi ngày chỉ bán được bằng nửa trước đây, giá nhập cao nên tôi cũng phải bán cao, nhưng bán cao quá thì người ta lại không mua. Như hôm nay nhập lợn mảnh từ chợ đầu mối đã có giá 95.000đ/kg, rồi phí vận chuyển, thuế má nữa, bán 120 – 130.000đ/kg là thấp nhất, mà mãi không hết. Ế quá trời”.

Thực tế, với việc bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, hàng loạt đàn lợn bị tiêu hủy khiến thị trường thiếu lợn hơi trầm trọng. Đến giữa tháng 11, tổng số lợn tiêu huỷ do dịch tả lợn châu Phi là gần 5,9 triệu con, tương đương 337.000 tấn thịt. Do đó lượng lợn trong dân không còn nhiều, chỉ có ở những trang trại lớn hoặc trang trại nuôi gia công của các doanh nghiệp.

Đây là nguyên nhân khiến giá thịt lợn tăng nhanh. Theo số liệu của Tổng cục Thông kê, so với hồi đầu năm, giá thịt lợn trung bình đã tăng 19%, một số nơi còn tăng từ 30 – 50%. 

Hiện nay, giá lợn hơi tại Trà Vinh đạt 75.000đ/kg, TPHCM, Tây Ninh, Hậu Giang… ở mức 71.000đ/kg, những địa phương khác, giá không thay đổi so với cuối tuần trước, vẫn đạt trên 70.000đ/kg. Mức giá phổ biến của lợn hơi tại khu vực khoảng 71.000 - 73.000đ/kg. 

Việc thiếu hụt lợn hơi tại khu vực này cũng khiến tình trạng nhập lậu lợn từ Campuchia về Việt Nam diễn biến phức tạp do không kiểm soát được chất lượng lợn nhập, nhất là trong tình trạng dịch tả lợn châu Phi vẫn đang diễn ra. Theo khai nhận của các đối tượng vận chuyển nhập lậu qua biên giới bị lực lượng bộ đội biên phòng An Giang bắt giữ, thịt lợn ở Campuchia chủ yếu lấy nguồn hàng từ Thái Lan, giá nhập về dao động từ 40.000 - 45.000đ/kg lợn hơi.

Tại miền Trung, giá lợn hơi cũng đạt khoảng 67.000đ/kg. Ghi nhận tại 26/11, các tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ vẫn phổ biến trên 70.000đ/kg; trong khi khu vực Nam Trung Bộ khoảng 63.000đ/kg.

Tại miền Bắc, ghi nhận tại các tỉnh như Tuyên Quang, Hà Nam… giá lợn hơi ở mức 74.000 - 75.000đ/kg. Các địa phương như Vĩnh Phúc, Hà Nội, Ứng Hoà 73.000 - 75.000đ/kg… Nhìn chung giá lợn tại khu vực đang dao động 73.000 - 77.000đ/kg.

Với giá thành hiện nay, các hộ chăn nuôi có thể lãi từ 1,5 - 2 triệu đồng/tạ lợn. Tuy nhiên, nhiều địa phương không có lợn để bán. Trong khi đó, tại miền Bắc vẫn có tình trạng buôn lậu lợn qua biên giới do giá lợn hơi tại Trung Quốc đang ở mức 113.000đ/kg – gấp đôi so với trong nước.

Ghi nhận của văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi, mỗi ngày tại Cao Bằng có hơn 50 chuyến xe chở lợn tỏa đi khắp các chợ biên giới. Trong khi đó, giá lợn tại địa phương này rất cao, 80.000 - 82.000đ/kg, nguồn cung vô cùng khan hiếm.

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, từ nay đến cuối năm sẽ thiếu hụt khoảng 200.000 tấn thịt lợn (tương đương 2 triệu con lợn xuất chuồng). Lưu ý rằng, đây là thời điểm trong dịp Tết Nguyên đán nên nhu cầu thực phẩm cao nhất. Nếu không có các giải pháp đồng bộ sẽ dẫn đến thiệt hại cho cả người chăn nuôi và người tiêu dùng cả trước mắt và lâu dài.

Người nuôi gà vẫn gặp khó

Một số tiểu thương ở chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình, TPHCM) cho biết, từ tháng 10 đến nay, giá thịt lợn tăng cao nên nhiều người đã chuyển qua mua thịt bò, gà, vịt, tôm, cá khiến giá của những mặt hàng này cũng tăng theo.

Gà thả vườn sống trước đây khoảng 110.000đ/kg đối với gà trống, 130.000đ/kg gà mái thì nay tăng khoảng 5.000-10.000đ/kg. Cá lóc đồng tăng lên 70.000-80.000đ/kg, cá diêu hồng 60.000-65.000đ/kg.

Tuy nhiên, giá gà tại chợ tăng cao lại “kéo” giá gà tại chuồng tăng chậm. Đến thời điểm cuối tháng 10, đầu tháng 11/2019, dù đã tăng nhẹ, nhưng giá gà công nghiệp vẫn đang ở mức thấp khiến người nuôi lo lắng. 

Ghi nhận hiện nay, giá gà công nghiệp lông trắng tuy đã quay đầu tăng lên mức 21.000 - 22.000đ/kg, nhưng vẫn thấp hơn 30% so với cùng kỳ, và với mức giá này người chăn nuôi vẫn chịu lỗ 3.000 - 4.000đ/kg. 

Trong khi đó, giá gà lông màu ở mức 26.000đ/kg, thấp hơn 9.000đ/kg so với giá thành sản xuất (35.000đ/kg). Đấy là chưa kể rủi ro khi gà gặp dịch bệnh và các khoản đầu tư khác.

Đây là mức giá đã tăng hơn nhiều so với thời điểm giữa tháng 9/2019 (16.000 - 18.000đ/kg) - là giai đoạn các hộ chăn nuôi đang ồ ạt bán tháo cắt lỗ gây giá sụt giảm mạnh. Trong khi đó, tại các tỉnh phía Bắc, giá thịt gà nuôi công nghiệp dao động từ 35.000 - 37.000đ/kg, giá các loại thịt gà ta vẫn giữ mức giá ổn định, thậm chí nhiều nơi có mức giá tốt. 

Lý giải nguyên nhân của tình trạng trên, là do khi dịch tả lợn châu Phi lan rộng, nhiều hộ chăn nuôi lợn đã chuyển sang chăn nuôi gà công nghiệp ồ ạt, làm tăng đàn tự phát, thiếu kiểm soát. Việc phát triển "nóng" ngành chăn nuôi gà khiến cho nguồn cung thịt gà vượt cầu dẫn đến tình trạng giá gà giảm. Riêng tại Đồng Nai, hiện nay, tổng đàn gà đã lên tới 24 triệu con, tăng hơn 3 triệu con so với đầu tháng 5/2019, thời điểm trước khi dịch tả lợn châu Phi.

Trong khi giá gà trong nước đang xuống, thì theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng năm 2019, nhập khẩu thịt gà các loại đạt 195.000 tấn, trị giá 166,6 triệu USD, tăng 51,4% về lượng và tăng 48,0% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Xu hướng nhập khẩu tăng khá mạnh từ tháng 6 đến nay.

Hơn nữa, nhu cầu tiêu thụ trong nước đối với thịt gà vẫn không tăng mạnh, do thói quen dùng thịt lợn của người dân. Thực tế, thịt gà hiện nay chủ yếu để thực hiện các hợp đồng cung ứng phục vụ các ngành chế biến thực phẩm và bếp ăn công nghiệp.

Theo Đời sống
back to top