Thức ăn từ côn trùng được chứng minh là ngon, bổ, thậm chí là rẻ, nhưng cũng cần để ý khi chế biến.
Ngon, bổ
Các nhà khoa học ở Đại học Wisconsin, Mỹ, khuyên mọi người nên bổ sung thêm dế vào chế độ dinh dưỡng vì loài côn trùng này ảnh hưởng tích cực đến hệ vi sinh đường ruột. Dế, giống như các loài côn trùng khác, chứa chất xơ (chitin). Và đây là một nguồn thức ăn tuyệt vời cho những loài vi khuẩn có lợi.
Thịt dế thúc đẩy sự tăng trưởng của vi khuẩn có lợi, còn được gọi là probiotics, giảm mức độ viêm trong cơ thể, cũng như là một nguồn tuyệt vời để bổ sung protein, vitamin, khoáng chất và các chất béo lành mạnh.
Các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm kéo dài 2 tuần với 20 tình nguyện khỏe mạnh, bằng cách cho họ ăn thực phẩm thông thường vào bữa sáng hoặc ăn sáng gồm bánh nướng xốp và đồ uống có chứa 25g dế xay nhuyễn để đối chứng.
Kết quả cho thấy, khi ăn thịt dế xay, nồng độ enzym chuyển hóa liên quan đến sức khỏe đường ruột tăng lên, đồng thời giảm được nồng độ protein gây viêm trong máu – yếu tố hoại tử khối u (TNF-alpha). Thêm vào đó, các vi khuẩn có lợi như Bifidobacterium animalis lại gia tăng.
GS.TS Bùi Công Hiển, Trung tâm Ứng dụng Côn trùng học cho biết ở Việt Nam chưa có nghiên cứu cụ thể như kết quả của các nhà khoa học thế giới cho nên không thể bình luận. Tuy nhiên, từ lâu côn trùng đã được sử dụng làm thức ăn.
Ở nhiều nước trên thế giới, việc sử dụng côn trùng làm thực phẩm khá phổ biến, thậm chí còn là món ăn đắt tiền, quý hiếm. Ví dụ ở Mehico, người ta dùng trứng cà cuống phơi khô để làm bánh ngọt; ở Jamaica, món ăn chế biến từ dế được dùng để thết đãi khách quý đến chơi nhà…
Ở Việt Nam, việc sử dụng côn trùng làm thức ăn cũng có từ lâu. Ngày xưa, cha ông ta đã chế biến cào cào, châu chấu, nhộng… làm thức ăn và những món ăn này cũng ngon và dễ tiêu hóa như bất kỳ loại thực phẩm nào.
Mấy năm trước, có một dạo thức ăn côn trùng đã trở thành “mốt” với các món ăn chế biến cầu kỳ như châu chấu sốt sa tế, bọ xít rang lá chanh… “Các nghiên cứu cho thấy, ở nước ta có khoảng 40 loài côn trùng được dùng làm dược liệu trong Y học cổ truyền và có khoảng gần 100 loài côn trùng có thể ăn được”, GS.TS Bùi Công Hiển khẳng định.
Theo GS.TS Bùi Công Hiển, thời gian vừa qua, ở Việt Nam đã có vài nghiên cứu về côn trùng làm thực phẩm và dược liệu ví dụ nghiên cứu về tác dụng của sâu chít, sâu tre… Tuy nhiên, những nghiên cứu này còn quá ít. Thời gian tới, nếu muốn sử dụng côn trùng hiệu quả trong y học và làm thực phẩm, cần có những nghiên cứu bài bản như nghiên cứu về độc tố có trong côn trùng, khả năng bổ dưỡng của các loại côn trùng…
Cẩn thận khi ăn
Tuy nhiên, GS.TS Bùi Công Hiển, cho biết tuy ngon, bổ, thậm chí với nhiều loài còn là rẻ ví dụ châu chấu, nhộng tằm. Tuy nhiên, có thực tế không ít trường hợp ăn xong bị ngứa, dị ứng, thậm chí là ngộ độc.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất là cơ thể côn trùng có một số chất có thể gây dị ứng cho một số người có cơ địa không thích hợp, ví dụ nhiều người ăn nhộng tằm dễ bị ngứa.
Thứ hai, cơ thể côn trùng cũng thường bị các vi sinh vật ký sinh như nấm độc, giun tròn, bọ chét, rận… Vì thế, khi sử dụng làm thức ăn, nếu không xử lý sạch sẽ có thể dẫn đến đau bụng, ngộ độc…
Vì thế, với côn trùng, mặc dù được chứng minh là ngon, bổ, giàu dinh dưỡng nhưng khi ăn người dân cần nắm vững một số nguyên tắc. Thứ nhất, nhớ ăn chín. Thứ hai, chỉ ăn những côn trùng phổ biến, quen thuộc, tránh ăn những món côn trùng lạ chưa chế biến bao giờ.
Đặc biệt, trước khi chế biến món ăn, cần phải rửa sạch sẽ, ví dụ rửa bằng nước muối, thậm chí là cồn để loại bỏ hết nấm độc, bọ chét… bám trên thân côn trùng.
Sơn Hà