Một biện pháp cơ bản mà hầu như thầy thuốc đông y nào cũng khuyên bệnh nhân làm tại nhà khi bị đau lưng, đó là chườm lá ngải cứu kết hợp với muối. Ngải cứu có tác dụng điều hòa khí huyết và giảm đau rất tốt, người bệnh có thể tìm mua dễ dàng.
Khi có dấu hiệu lưng bị tổn thương, lưng đau dữ dội khó chịu thì điều đầu tiên người bệnh nên làm là chườm nóng. Chườm nóng có nhiều cách như khăn nóng, chiếu đèn hồng ngoại và sử dụng thảo dược. Chườm lá ngải cứu kết hợp với muối ăn chữa đau lưng, một bài thuốc không thể bỏ khi chữa các bệnh về xương khớp.
Ngải cứu rang muối hút hàn tà: Lấy lá ngải cứu rửa sạch, cho lẫn muối vào rồi đổ nước nóng lên, sau đó đắp vào chỗ đau. Khi bị đau lưng, đắp ngải cứu muối ấm sẽ làm cơn đau giảm đi.
Còn với người có nguy cơ cao bị đau lưng (người lớn tuổi, người béo phì…) có thể dùng bài thuốc này chườm lên lưng hằng ngày sẽ có tác dụng phòng bệnh. Đau lưng do hàn, nên lấy muối kết hợp với ngải cứu rang nóng đắp vào, tinh dầu trong lá ngải cứu sẽ hút hết hàn tà trong da và cơ thể bệnh nhân.
Muối rang chườm đau: Ngải cứu lượng vừa đủ, rửa sạch, để ráo nước rồi cắt thành từng đoạn ngắn dài chừng 2cm. Lấy một miệng bát muối ăn (dạng hạt) bỏ vào chảo rang cho đến khi hết tiếng nổ lách tách (giống như sao chế biến muối vừng).
Tiếp đó cho ngải cứu vào chảo đảo nhanh tay chừng mươi giây là được, sao cho ngải cứu không bị chảy nước, sau đó đổ ngải cứu và muối rang ra khăn vải, bọc kín rồi chườm lên chỗ đau trước khi đi ngủ.
Khi hỗn hợp này nguội đem rang lại và thực hiện 2-3 lần như thế. Nhớ đắp 1 miếng khăn lên chổ chườm nóng để tránh bị bỏng khi thuốc quá nóng, cũng có thể dùng ba khăn vải bọc hỗn hợp thuốc rồi lần bỏ từng cái cho đến khi thuốc nguội hẳn.
Muối nướng ngải: Lấy lá ngải cứu rửa sạch trộn lẫn muối hạt to rồi nướng nóng hoặc rang lên, sau đó bọc qua một lớp khăn mỏng chườm vào phần bị đau nhiều lần vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Điều cần lưu ý là biện pháp chườm lá ngải cứu kết hợp với muối ăn chữa đau lưng chỉ có tác dụng điều trị triệu chứng làm cho bệnh nhân đỡ đau, đỡ tê mà thôi. Để trị bệnh dứt điểm cần kết hợp các biện pháp khác với nhau như vật lý trị liệu, dùng thuốc, thậm chí là phẫu thuật.
ThS Hoàng Khánh Toàn
(Chủ nhiệm khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện TƯQĐ 108)