Axit béo no tăng nguy cơ tim mạch
PGs.TS Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng quốc gia cho biết, chất béo trong khẩu phần ăn đóng một vai trò đặc biệt đối với bệnh tim mạch. Lượng chất béo càng cao thì tỷ lệ tử vong do bệnh nhồi máu cơ tim càng cao.
Nghiên cứu trên thế giới cho thấy: khẩu phần ăn của người Nhật Bản có lượng chất béo chiếm 25% năng lượng khẩu phần thì tỷ lệ tử vong do nhồi máu cơ tim là 52/100.000 dân, trong khi đó ở Mỹ có khẩu phần chất béo là 42%, thì tỷ lệ tử vong là 306,6/100.000 dân. Đối với người Việt Nam, theo khuyến nghị của viện dinh dưỡng, chất béo nên chiếm 15-20% tổng năng lượng ăn vào.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, loại chất béo sử dụng quan trọng hơn tổng lượng chất béo. Acid béo no (có nhiều trong mỡ, bơ, nước luộc thịt) có trong chế độ ăn là thành phần ảnh hưởng đáng kể nhất đến tổng lượng cholesterol và LDL-C. Chế độ ăn có nhiều acid béo no và cholesterol có liên quan với yếu tố đông máu VII và fibrinogen, yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành tim.
Acid béo thể trans, hydrogen hóa chất béo (có nhiều trong mỡ, margarine, sữa động vật ăn cỏ và thức ăn nhanh, quy trình công nghiệp chế biến ở nhiệt độ cao), làm tăng cholesterol toàn phần và LDL-C và giảm HDL-C dẫn đến làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành.
Theo các khuyến cáo gần đây lượng acid béo no nên dưới 10% tổng năng lượng, đối với người có tăng LDL-C hoặc có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch nên giảm dưới 7% tổng năng lượng, acid béo trans nên dưới 1%.
Ăn cá và hải sản giảm triglyceride
Theo BS Lưu Thị Tâm, Bệnh viện Chợ Rẫy, ngược lại với chất béo no, acid béo không no làm giảm nguy cơ tim mạch. Ba loại acid béo không no chủ yếu có trong chế độ ăn là acid béo không no 1 nối đôi, không no nhiều nối đôi (omega 6 và omega 3). Khi thay thế acid béo no bằng acid béo không no có tác dụng làm giảm tổng lượng cholesterol và LDL-C.
Acid béo không no một nối đôi (MUFA)có thể sử dụng linh hoạt trong khi xây dựng chế độ ăn vì chúng có thể thay thế acid béo no, glucid hoặc cung cấp năng lượng thay thế cho cả hai. Khi chế độ ăn có nhiều MUFA (cùng với ít acid béo no và cholesterol) sẽ làm giảm cholesterol tòan phần, LDL-C, triglycerdie và hạn chế tới mức thấp nhất sự giảm HDL-C.
Bên cạnh đó, một chế độ ăn có nhiều acid béo không no nhiều nối đôi (PUFA) (7% tổng năng lượng) có thể làm giảm cholesterol máu từ 17,6- 20%, liên quan tới giảm tỉ lệ mắc bệnh xơ vữa động mạch từ 16- 34%.
Tuy nhiên năng lượng từ acid béo này không nên vượt quá 10% tổng năng lượng. Song tùy theo loại PUFA có những ảnh hưởng khác nhau như acid béo omega-6 ảnh hưởng trực tiếp đến LDL-C, trong khi acid béo omega- 3 từ cá không những có tác dụng làm giảm cholesterol, triglyceride mà còn giúp phòng ngừa chứng huyết khối và điều chỉnh phần nào huyết áp trong tăng huyết áp thể nhẹ.
Dù cơ chế hiện vẫn chưa rõ, nhưng có thể là do sự thay đổi chuyển hóa eicosanoid và cytokine, quá trình viêm, oxi hóa, và chức năng nội mạc. Đồng thời omega- 3 nguồn gốc thực vật cũng có tác dụng tốt đối với bệnh tim mạch, nguy cơ tử vong do bệnh mạch vành giảm tới 50%. Vì vậy mỗi tuần nên có 3- 5 lần ăn cá, hải sản, thay thế cá cho thịt. Đối với những người không thích ăn cá và hải sản có thể sử dụng dầu cá thiên nhiên mỗi ngày 2-3g. Việc bổ sung 9- 13g dầu cá thiên nhiên/ ngày sẽ giảm 20- 25% triglyceride ở người có lượng triglyceride bình thường và giảm 26- 33% triglyceride ở người có tăng triglyceride.