Các u lành tính ở thận nguy hiểm

Các u thận lành tính trong giai đoạn đầu ít gây triệu chứng và thường không
u thận

Siêu âm phát hiện bệnh

Cả u lành và u ác tính có thể gặp ở thận. Trước đây u lành thường là một phát hiện ngẫu nhiên khi mổ tử thi và ít có ý nghĩa trên lâm sàng. Nhưng ngày nay nhờ phương pháp chẩn đoán hiện đại, u thận được phát hiện nhiều và những diễn biến đôi khi rất phức tạp. Các u thận lành tính thường gặp là u tuyến thận, u mạch cơ mỡ và u tế bào hạt.

U tuyến thận: U tuyến thận (adenoma) là u thận đặc lành tính hay gặp nhất. U tuyến thường nhỏ, nằm biệt lập ở phần ngoài vỏ thận, có nguồn gốc từ tế bào ống. Phần lớn các u tuyến không có triệu chứng lâm sàng và chỉ được phát hiện lúc mổ tử thi hay trên thận được cắt bỏ vì nguyên nhân khác. Tần số của u tuyến thận là 7% đến 22% trên giải phẫu tử thi.

Về đại thể u thường có bán kính 2 cm, u chỉ gặp ở vùng vỏ là một nhân u có vỏ bọc, biệt lập, màu xám, vàng nhạt. Về vi thể u gồm những cấu trúc nhú, chia nhánh, kết hợp với nhiều cấu trúc hình lá dương xỉ lồi vào trong các khoang u nang. Các tế bào cũng có thể phát triển thành những ống nhỏ, các tuyến, các dải và những khối tế bào hoàn toàn không biệt hóa.

Trong việc phân biệt, kích thước u có ý nghĩa chẩn đoán, những u có đường kính lớn hơn 3 cm thường gây di căn trong khi các u nhỏ hơn 3 cm ít gây di căn. Điều này có ý nghĩa như một chỉ điểm vì ung thư biểu mô tuyến có thể phát sinh từ một u tuyến.

Bennington và Beckwith nhận định, các u tuyến không khác biệt về mô học với ung thư thận và phải được xem như là ung thư thận được phát hiện ở giai đoạn sớm, và cần điều trị bằng phẫu thuật triệt để. Tuy nhiên, nếu u được phát hiện sớm trên thận duy nhất hay nếu u xuất hiện trên cả hai thận, việc loại bỏ u và giữ lại nhu mô lành có thể chấp nhận được.

Theo một số tác giả, các bệnh nhân được điều trị theo phương pháp này có tỷ lệ sống trên 5 năm là 70%. Tuy nhiên, với u lớn hơn 4cm, và bị vôi hóa hoặc có các triệu chứng cận ung thư thì phẫu thuật triệt để là biện pháp hữu hiệu nhất.

U tế bào hạt (oncocytome thận): Đây là loại u biểu mô bao gồm các thể lành tính và ác tính, chiếm tỷ lệ 3 – 5% các u thận nói chung. Nam giới có tỷ lệ mắc bệnh nhiều gấp hai lần so với nữ giới.

Bệnh xuất hiện sau 50 tuổi. Oncocytom thận được tạo nên bởi các tế bào biểu mô lớn có bào tương hạt ưa eosin – được gọi là oncocyte – xuất hiện ở thận và nhiều cơ quan khác như tuyến giáp, tuyến nước bọt, tuyến thượng thận, tụy.

Oncocytom thận thường có một bao xơ bọc bên ngoài, ít khi xâm lấn bao thận, các đài bể thận hay mô quanh thận. Tuy thế, u có thể đạt tới một kích thước lớn (tới 12 cm đường kính). Lúc bổ u, thường thấy u màu vàng hay màu nâu nhạt, trung tâm có sẹo hình sao, và không có mô hoại tử. Oncocytom ít khi xuất hiện trên cả hai thận.

Biểu hiện: bệnh nhân đau vùng thắt lưng, đái ra máu (20% trường hợp). Lúc u ở giai đoạn kèm biệt hóa (giai đoạn II và III) thường có sự xen lẫn với ung thư thận, đặc biệt khi oncocytoma phối hợp với các bệnh ác tính hay tiền ung thư như u mạch cơ mỡ, bệnh xơ củ, đa u tủy, u phổi, u carcinoid.

U mạch cơ mỡ thận

U mạch cơ mỡ thận là u lành tính gồm các mạch máu, cơ trơn và mỡ.  Các u mạch cơ mỡ gặp ở 25-50% bệnh nhân có xơ cứng củ – một bệnh có đặc điểm là tổn thương ở vỏ não gây động kinh và chậm phát triển tinh thần cũng như nhiều bất thường ở da (u tuyến bã đậu ở mặt).

Cần chú ý là một tỷ lệ nhỏ u mạch cơ mỡ thận có xu hướng chuyển thành ác tính. Về điều trị, nguyên tắc là theo dõi và điều trị bảo tồn chức năng thận là chính, trừ khi u phát triển quá to hoặc gây chảy máu nặng nguy hiểm cho bệnh nhân.

TS Trương Thanh Tùng (Phó trưởng khoa Tiết niệu, Bệnh viện Thanh Hóa)

Theo Đời sống
back to top