Đó là ý kiến của ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, giám đốc Dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Bộ GD&ĐT.
Theo ông Thành, SGK là tài liệu cụ thể hóa chương trình giáo dục phổ thông. Tất cả SGK phải căn cứ vào chương trình để biên soạn. Chương trình mới là thống nhất, việc tổ chức dạy học được thực hiện theo chương trình. Việc kiểm tra, đánh giá cũng theo yêu cầu cần đạt của chương trình, không phụ thuộc vào những ngữ liệu cụ thể ở các SGK.
Ông Nguyễn Xuân Thành - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học. |
Từ đó, sẽ không lo ngại việc một tỉnh sử dụng SGK từ nhiều bộ sách khác nhau. Hơn nữa, theo quy định, chỉ các SGK đã qua thẩm định và được bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt thì mới được phát hành vào các nhà trường. Các SGK này đều đạt yêu cầu của chương trình giáo dục sắp triển khai.
Ông Thành cho biết, khi SGK đưa vào nhà trường cần phải có thời gian để các thầy cô giáo, học sinh làm quen và trải nghiệm. Qua việc tổ chức dạy học, các thầy cô giáo và học sinh sẽ đánh giá được hiệu quả của sách và so sánh giữa những cuốn sách với nhau.
Từ quá trình được sử dụng, tổ chức dạy học và trải nghiệm, giáo viên sẽ hiểu rõ cuốn sách nào là phù hợp. Cho nên, việc lựa chọn SGK sẽ không cứng nhắc mà có sự phát triển, bổ sung, cập nhật những thông tin mới trong quá trình thực hiện.