Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, trong thời gian tới, nguy cơ dịch cúm gia cầm A/H5N8 lây lan và xảy ra trên phạm vi rộng là rất cao. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công điện tới các địa phương để kiểm soát, phòng, chống bệnh cúm gia cầm A/H5N8 và các chủng virus cúm gia cầm thể độc lực cao khác lây lan diện rộng.
Trước mắt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương có ổ dịch cúm gia cầm A/H5N8 chưa qua 21 ngày, phát hiện gia cầm có kết quả dương tính với virus cúm A/H5N8, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh do các chủng virus cúm A/H5 cần xử lý tiêu hủy toàn bộ và xử lý an toàn sinh học khắt khe.
Về lâu dài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đồng ý việc khảo nghiệm, kiểm nghiệm văcxin cho loại cúm này. Trong thời gian ngắn nhất, các địa phương rà soát, tổ chức tiêm văcxin phòng bệnh cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn có nguy cơ. Thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm mới phát sinh và chưa được tiêm phòng.
Khuyến cáo người chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất; tổ chức tháng tổng vệ sinh, tiêu độc, sát trùng để tiêu diệt các loại mầm bệnh; tiêm phòng đầy đủ các văcxin cho đàn gia cầm.
Theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thô), từ đầu tháng 6/2021 đến nay, chủng virus cúm gia cầm A/H5N8 đã được phát hiện tại 3 tỉnh: Hòa Bình (1 ổ dịch xã Hữu Lợi, huyện Yên Thủy); Cao Bằng (1 ổ dịch tại phường Ngọc Xuân, thành phố Cao Bằng và 9 mẫu giám sát chủ động tại các chợ buôn bán gia cầm sống trên địa bàn tỉnh Cao Bằng) và Quảng Ninh (1 ổ dịch thuộc xã Vũ Oai, TP Hạ Long).
Theo Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), chủng virus cúm gia cầm A/H5N8 cùng phân nhánh 2.3.4.4 với virus cúm gia cầm A/H5N6.