Tối 2/7, ông Trần Xuân Đông, Chi cục Trưởng Chăn nuôi và Thú y Quảng Ninh, cho biết từ ngày 29/6, trại gà khoảng 2.000 con (80 ngày tuổi) của anh Nguyễn Huy Long, thôn Bãi Cát, xã Vũ Oai (TP Hạ Long) xuất hiện tình trạng gà chết rải rác với tổng số lượng khoảng 200 con. Người dân trình báo nhà chức trách.
"Chúng tôi chỉ đạo cơ quan chuyên môn của TP Hạ Long lấy mẫu gửi đi xét nghiệm. Đến chiều tối 1/7 có kết quả, xác định đây là chủng A/H5N8, lần đầu tiện xuất hiện tại Quảng Ninh", ông Đông nói.
Lực lượng chức năng đã tiêu hủy khoảng 2.000 con gà ở ổ dịch, rắc vôi bột, phun thuốc khử khuẩn toàn xã Vũ Oai, tiêm vaccine cúm gia cầm cho các đàn gà khu vực xung quanh và lập chốt kiểm dịch.
Theo ông Đông, chủng cúm A/H5N8 không chỉ làm chết gia cầm mà còn có thể lây lan sang ngườ không để lại triệu chứng. "Chúng tôi đã mời CDC tỉnh Quảng Ninh đến lấy mẫu trên người đối với những ai tiếp xúc trong quá trình chăn nuôi đàn gà", ông nói.
Tháng 3/2021, lần đầu tiên thế giới ghi nhận cúm A/H5N8 lây từ gia cầm sang người tại một trang trại nuôi gà ở Nga, với 7 công nhân ở nhiễm virus cúm A H5N8. Đây là nhóm virus cúm A độc lực cao. Giới chức y tế thế giới khuyến cáo Việt Nam cảnh giác.
Virus này đã lưu hành trên gia cầm và chim hoang dã từ năm 2016 nhưng đây là báo cáo đầu tiên về sự lây nhiễm H5N8 từ gia cầm sang người. Đặc biệt, tất cả 7 bệnh nhân nói trên đều không có triệu chứng. Đến nay, chưa có bằng chứng virus H5N8 gây bệnh nặng ở người hay lây truyền từ người sang người. Do vậy những trường hợp bệnh này được cho là do gia cầm mắc bệnh lây truyền sang người.
Các khu vực tại châu Âu, Trung Quốc, Trung Đông và Bắc Phi cũng đã ghi nhận sự xuất hiện của chủng H5N8 trên gia cầm.
Tiến sĩ Pawin Padungtod, Điều phối viên Kỹ thuật Cấp cao, FAO Việt Nam, cho biết về mặt kỹ thuật, virus H5N8 có chung đặc điểm kháng nguyên với virus H5N6 đang lưu hành tại Việt Nam. Do vậy vaccine cúm gia cầm hiện tại được sử dụng tại Việt Nam vẫn tiếp tục có tác dụng với H5N8.
Để phòng tránh lây nhiễm cúm H5N8, FAO và WHO khuyến cáo người chăn nuôi cần tăng cường các biện pháp an toàn sinh học tại khu vực nuôi; tuân thủ đúng lịch tiêm phòng cho gia cầm; báo cáo các trường hợp gia cầm chết bất thường; không cho khách vào khu vực nuôi.
Đối với cộng đồng, thường xuyên rửa tay trước khi chế biến thực phẩm, trong quá trình nấu ăn và sau khi tiếp xúc với động vật; nấu chín kỹ thức ăn, đặc biệt là thịt, gia cầm và trứng. Rửa sạch, làm vệ sinh tất cả các bề mặt và dụng cụ được sử dụng để chế biến; không ăn tiết canh gia cầm; tránh tiếp xúc động vật ốm hoặc chết.