Ung thư lưỡi là ung thư thường gặp nhất trong các ung thư vùng khoang miệng, chiếm tỷ lệ 30-40%, hay gặp ở nam giới trong độ tuổi từ 50-60 tuổi. Theo tổ chức nghiên cứu ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) năm 2012, nam giới có 198.975 ca ung thư khoang miệng mới mắc, chiếm 2,7% và 97.940 ca tử vong chiếm 2,1%. Ở nữ có 101.398 trường hợp mắc mới chiếm 1,5% và 47.413 trường hợp tử vong, chiếm 1,3%. Tại Việt Nam theo ghi nhận ung thư 2010, số ca mắc chuẩn theo tuổi ở nam là 1716 trường hợp với tỷ lệ mắc chuẩn theo tuổi là 4,6/100.000 dân. Ở nữ giới là 669 ca mắc mới và tỷ lệ mắc chuẩn theo tuổi là 1,7/100.000 dân. Biểu hiện của bệnh nghèo nàn, khó nhận thấy trên từng giai đoạn bệnh.
Các tổn thương tiền ung thư lưỡi: hay gặp các loại bạch sản, hồng sản, xơ viêm dưới niêm mạc. Các tổn thương này dễ chuyển thành ung thư khi có các tác nhân tác động vào. Bạch sản có nguy cơ trở thành ác tính là 6%, dạng phẳng khoảng 5%, dạng mụn cơm là 10%, dạng loét là 15 – 20%, dạng liken phẳng thoái hóa là 5%. Một nghiên cứu hơn 3000 trường hợp có bạch sản khoang miệng có 12,3% loạn sản nhẹ và vừa, 4% loạn sản này là ung thư biểu mô tại chỗ và 3,1% là ung thư biểu mô xâm lấn. Với hồng sản tỷ lệ ung thư hóa là 1/3.
Tổn thương dễ ung thư lưỡi
Giai đoạn đầu: Triệu chứng nghèo nàn hay bị bỏ qua. Biểu hiện cơ năng: người bệnh có cảm giác như có dị vật hoặc xương cá cắm vào lưỡi rất khó chịu nhưng qua đi nhanh. Khám lưỡi thấy ở lưỡi có một điểm nổi phồng với sự thay đổi màu sắc, niêm mạc trắng, xơ hóa hoặc tổn thương là vết loét nhỏ. Sờ thấy tổn thương chắc, rắn, không mềm mại như bình thường. Hạch xuất hiện sớm, khoảng 50% có hạch ngay từ đầu, hạch hay gặp là hạch dưới cằm, dưới hàm, cảnh cao.
Ba loại tổn thương ở giai đoạn sớm có thể gặp: Thể nhú sùi (tạo thành thương tổn hình đồng xu, màu ghi, hồng, sờ vào thấy mềm và không thâm nhiễm); Thể nhân (tạo thành một nhân nhỏ cứng, nằm dính dưới niêm mạc, niêm mạc hơi bị đội lên, đôi khi mất nhẵn bóng hoặc vỡ ra); Thể loét (là một đám loét rất nông khó nhận thấy, giới hạn không rõ, được bao bọc bởi một vùng đỏ xung huyết, tổn thương này thường đau và không thâm nhiễm).
Giai đoạn toàn phát: Bệnh nhân đau khi ăn uống, đau kéo dài gây khó khăn khi nói, nuốt. Toàn thân: sốt do nhiễm trùng, không ăn được nên cơ thể suy sụp rất nhanh. Cơ năng: đau tăng lên khi nói, nhai và nhất là khi ăn thức ăn cay, nóng, đôi khi đau lan lên tai; Tăng tiết nước bọt; Chảy máu: nhổ ra nước bọt lẫn máu; Hơi thở hôi thối: do hoại tử tổn thương gây ra; Một số trường hợp khít hàm, cố định lưỡi khiến bệnh nhân nói và nuốt khó khăn.
Khám lưỡi thấy ổ loét ở lưỡi, trên ổ loét phù giả mạc chảy máu, loét phát triển nhanh, lan rộng làm lưỡi bị hạn chế vận động hoặc không di động được. Khoảng 40 – 50% các trường hợp có hạch, trong đó ¾ là hạch di căn, hạch dưới cằm, dưới hàm hay gặp, hiếm gặp các hạch cảnh giữa và dưới. Vị trí 80% gặp ở bờ tự do của lưỡi, 10% gặp ở mặt dưới lưỡi, 8% gặp ở mặt trên lưỡi, 2% gặp ở đầu lưỡi. Hình thái tổn thương hay gặp: sùi, loét, thâm nhiễm hoặc kết hợp.
Phương pháp điều trị bằng phẫu thuật, xạ trị và hóa chất. Khả năng kiểm soát: 90% với giai đoạn I, 70% với giai đoạn II, 50% với giai đoạn III. Kích thước u sống thêm 5 năm với giai đoạn T1 là 70 – 80%, T2 là 50 – 60%, T3 là 10 – 25%. Hạch: sống thêm 5 năm với No là 59%, N1 là 35%, N2 là 27% và N3 là 8%.
BS Tuấn Anh (Bệnh viện K)